Kinh tế Xây dựng - Giao thông Xây nhà ứng phó thiên tai cho cộng đồng
TTH - Nhiều hạng mục công trình thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA) đã triển khai thi công hoàn thiện ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả, bền vững cho sự phát triển các đô thị và hỗ trợ năng lực cho cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng thuộc gói thầu số 40 trong khuôn khổ DA do Quỹ tín thác thích ứng biến đổi khí hậu (UCCRTF) tài trợ, được triển khai trên địa bàn 7 phường thuộc địa phận TP. Huế.
Hợp phần bao gồm 14 hạng mục công trình xây dựng và 2 hạng mục mua sắm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống, vệ sinh sau lụt bão và đào tạo tập huấn cho các phường trên địa bàn, đến nay cơ bản đã hoàn thiện. Các công trình, thiết bị phát huy công năng sử dụng, phục vụ cộng đồng ứng phó thiên tai.
Ghi nhận của PV tại công trình nhà tránh bão, tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng khu vực 4, phường Xuân Phú (TP. Huế) do liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Đô thị An Nhiên - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo thi công, cho thấy công trình xây dựng đã hoàn thiện với kết cấu khang trang nằm ở trung tâm khu dân cư.
Nhà tránh, trú bão lụt có diện tích tầng một 200m2, bố trí không gian dùng để xe máy, không gian vui chơi trẻ em và cầu thang. Tầng 2 có tổng diện tích là 220m2, xây dựng không gian cộng đồng, phòng giao tiếp, sinh hoạt và khu vệ sinh. Bố trí hệ thống điện, thông gió, cấp nước, thoát nước trong nhà và các công trình phụ trợ phía ngoài.
Được khởi công xây dựng từ tháng 4/2022 với tổng kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng, nhà tránh bão, lũ với mục tiêu kết hợp giữa không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và là nơi tránh lũ an toàn, yên tâm hơn cho người dân khi xảy ra bão, lũ.
Chị Nguyễn Thị Phương, một hộ dân sống ở phường Xuân Phú cho biết, nhiều năm nay, khu vực các tổ 8, tổ 4 thường xuyên xảy ra ngập lụt do nơi đây vốn là đất ruộng, được nâng nền khi xây dựng. Đối với các nhà cao tầng thuộc công trình dự án, ngập lụt còn có nơi tránh trú chứ nhà dân thì xây dựng đã lâu, cốt nền thấp nước ngập tứ bề không biết di chuyển nơi nào. Có nhà cộng đồng tránh trú bão lụt, được xây dựng 2 tầng, làm nơi sinh hoạt chung cho cư dân trong khu vực nên bà con rất phấn khởi.
Ngoài xây dựng nhà tránh bão, tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng, hợp phần còn đầu tư nâng cấp các tuyến đường kiệt, xây dựng công viên tạo không gian xanh cho cộng đồng ở trên địa bàn các phường thuộc TP. Huế.
Tại khu vực phường Phú Hậu - địa bàn trước đây vốn có nhiều điểm nhếch nhác, thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, hiện nay được đầu tư hoàn chỉnh khang trang. Cụ thể, khu vực không gian xanh giữa vườn hoa khu chung cư Bãi Dâu được khởi công đầu năm 2022 với tổng diện tích khu đất 1.235m2.
Trong đó, khu trung tâm bao gồm chỗ nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp khu vực dành cho không gian tập thể dục tăng cường sức khỏe kết hợp bố trí các thiết bị tập thể dục ngoài trời rộng 175m2. Không gian vui chơi trẻ em có sân lát đá granite tạo nhám, bố trí các thiết bị xích đu, cầu trượt rộng hơn 164m2. Ngoài ra công trình còn được bố trí cây xanh, thảm cỏ, hệ thống bồn hoa, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, cấp nước tưới cây và các thiết bị tập thể dục ngoài trời, thiết bị vui chơi của trẻ.
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA cho biết, hợp phần với mục tiêu hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả, bền vững và công bằng cho sự phát triển các đô thị loại II ở Việt Nam; nâng cao năng lực cho cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các biện pháp xây dựng công trình và phi công trình.
Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng trong khuôn khổ DA được tài trợ với giá trị gần 47,2 tỷ đồng. Trong đó, đến nay giá trị vốn đã thực hiện cho sáng kiến cộng đồng là hơn 37,7 tỷ đồng. Tổng chi phí hợp đồng đã ký hơn 31,3 tỷ đồng, còn lại hơn 6,4 tỷ đồng.
Mới đây, Sở KH&ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc đề xuất sử dụng vốn dư Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng thuộc DA. Theo đó, đối với vốn viện trợ còn lại chưa sử dụng (hơn 6,4 tỷ đồng), đơn vị này đề xuất UBND tỉnh chấp thuận mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, bão lụt cho các phường thuộc TP. Huế sử dụng (các thiết bị phòng, chống thiên tai đã có trong gói thầu số 40 đang thực hiện).
Theo Sở KH&ĐT đối với dự án sử dụng vốn ODA việc hình thành gói thầu mới phải xin ý kiến của nhà tài trợ, Bộ Tài chính tương đối phức tạp và mất thời gian thực hiện kéo dài. Trong khi thời gian còn lại của khoản viện trợ là rất ngắn. Do vậy, các sở, ngành, địa phương đã thống nhất bổ sung các hạng mục mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, bão lụt vào gói thầu số 40 đang thực hiện.
UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương cho phép sử dụng vốn dư Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng để chủ động đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, bão lũ cho các phường thuộc TP. Huế. Đồng thời, yêu cầu Sở KH&ĐT làm việc, thống nhất với UBND TP. Huế về danh mục thiết bị bổ sung; chỉ đạo Ban QLDA thực hiện các thủ tục triển khai theo đúng quy định.
DA Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách địa phương gần 264 tỷ đồng, còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mới đây HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 36/NQ- HĐND về việc cho ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư DA này. Theo đó, bổ sung gần 400 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB. Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN