Kính thiên văn vũ trụ James Webb kỷ niệm một năm đi vào hoạt động
Trong một tuyên bố đánh dấu kỷ niệm một năm của kính thiên văn vũ trụ James Webb, NASA nhấn mạnh, kính thiên văn này đã 'dẫn đến hàng trăm bài báo khoa học trả lời các câu hỏi lâu nay chưa được giải đáp và đưa ra những câu hỏi mới, đầy thách thức'.
Kính thiên văn vũ trụ James Webb - thay đổi cách nhìn của nhân loại về vũ trụ
Kính thiên văn vũ trụ James Webb của NASA đã hoàn thành một năm đi vào hoạt động. Trong thời gian đó, đài quan sát quỹ đạo đã tạo ra những hình ảnh chi tiết, đầy màu sắc về vũ trụ. Nó cũng đã giúp các nhà nghiên cứu thực hiện một số khám phá khoa học mới.
Webb là kính viễn vọng lớn nhất, mạnh nhất từng được gửi vào vũ trụ. NASA đã ra mắt Webb vào cuối năm 2021 và công bố những hình ảnh đầu tiên vào tháng 7 năm 2022. Một trong những bức ảnh được ghi nhận là rõ ràng nhất về vũ trụ sơ khai, khoảng 13 tỷ năm trước.
Quản trị viên NASA, Bill Nelson đã phát biểu trong lễ kỷ niệm: "Chỉ trong một năm, kính thiên văn vũ trụ James Webb đã thay đổi cách nhìn của nhân loại về vũ trụ, lần đầu tiên công chúng nhìn thấy những đám mây bụi và nhìn thấy ánh sáng từ những góc xa xôi của vũ trụ".
Gần đây nhất, NASA đã công bố một trong những hình ảnh mới nhất của kính thiên văn vũ trụ James Webb. Hình ảnh cho thấy một tập hợp đám mây gồm 50 ngôi sao đang trong quá trình hình thành. NASA cho biết hình ảnh cho thấy một khu vực không gian chứa đầy khí hydro và bụi. Các nhà khoa học cho biết hình ảnh đưa đến một cái nhìn chân thực nhất cho giai đoạn ngắn ngủi của một ngôi sao.
Kính thiên văn vũ trụ James Webb - giải đáp nhiều câu hỏi bí ẩn lâu nay
NASA cho biết, các công cụ của kính thiên văn vũ trụ James Webb cũng đã xác nhận khoảng cách của một số thiên hà xa nhất từng được quan sát. Ngoài ra, dữ liệu của kính viễn vọng đã cung cấp thông tin chi tiết chưa từng có về cấu tạo của bầu khí quyển các hành tinh. Đồng thời, các thiết bị cũng đã khai mở những khám phá về các chất hóa học và khí tồn tại xung quanh tập hợp các ngôi sao và ngoại hành tinh bên ngoài hệ mặt trời.
Không dừng lại ở đó, kính thiên văn vũ trụ James Webb Webb còn giúp các nhà thiên văn học quan sát các phân tử ở xa nhất từng được biết trong vũ trụ. Webb cũng phát hiện ra lỗ đen siêu lớn đang hoạt động, xa nhất từng được quan sát. Các nhà khoa học cho biết lỗ đen nằm trong một thiên hà có tên CEERS 1019. Thiên hà này được cho là đã tồn tại khoảng 570 triệu năm sau Vụ nổ lớn "Big Bang" - vụ nổ mà nhiều nhà khoa học tin rằng đã tạo ra vũ trụ.
Ngoài ra, Webb còn giúp các nhà thiên văn học phát hiện ra 12 mặt trăng mới quay quanh Sao Mộc.
Kính thiên văn vũ trụ James Webb chụp lại vũ trụ với những hình ảnh chưa từng có
Kính thiên văn vũ trụ James Webb của NASA đã tạo ra những hình ảnh ngoạn mục về vũ trụ với độ sắc nét chưa từng thấy. Những hình ảnh này đã thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn và khán giả trên toàn cầu. Ngay cả các nhà khoa học làm việc trong dự án liên quan James Webb cũng phải ngỡ ngàng trước những hình ảnh này.
Những hình ảnh cho thấy vô số ngôi sao, thiên hà và các chi tiết đẹp chưa từng xuất hiện trước đây. Chúng mô tả sự ra đời và kết thúc của các ngôi sao với những màu sắc mới, sắc nét và sâu hơn so với hình ảnh do bất kỳ kính thiên văn hồng ngoại nào chụp lại từ trước đến nay. Trước đây, hình ảnh về vũ trụ chỉ có thể đến từ Hubble, kính viễn vọng không gian được phóng vào quỹ đạo Trái đất năm 1990.
James Webb là kính viễn vọng lớn nhất, mạnh nhất, NASA đã công bố những hình ảnh đầu tiên vào tháng 7/2022. Một trong những bức ảnh cho thấy bức tranh rõ ràng nhất về vũ trụ sơ khai, khoảng 13 tỷ năm trước.
Ngày 11/7/2022, NASA đã công bố những hình ảnh rõ nét nhất từ trước tới nay về những thiên thể được cho là đã có từ khi vũ trụ mới hình thành do kính viễn vọng không gian James Webb chụp lại. Những hình ảnh này có thể coi là phần thưởng của 25 năm kiên trì và 10 tỷ USD mà NASA dành cho kính thiên văn mới của cơ quan này - tất cả đều nằm trong một quang phổ ánh sáng hồng ngoại mới và có phạm vi rộng.
Ngày 12/7/2022, NASA đã công bố bộ ảnh tiếp theo với những chi tiết về các bầu khí quyển bao quanh các hành tinh ở cách xa Trái đất cho thấy kính viễn vọng James Webb mạnh hơn và mang lại hình ảnh sắc nét hơn như thế nào so với các kính viễn vọng trước đây.
Được phóng vào tháng 12/2021 từ Guiana thuộc Pháp trên tên lửa Ariane 5, kính viễn vọng James Webb đang quay quanh Mặt trời và ở vị trí cách Trái đất khoảng cách 1,6 triệu km, trong vùng không gian gọi là điểm Lagrange thứ hai.
Là kỳ quan về kỹ thuật, tổng chi phí dự án James Webb được ước tính khoảng 10 tỉ USD, đưa kính viễn vọng không gian này trở thành một trong những nền tảng khoa học đắt tiền nhất từng được xây dựng.
Gương chính của kính James Webb rộng hơn 6,5 m và được tạo thành từ 18 phân đoạn gương tráng vàng.
NASA ước tính James Webb có đủ nhiên liệu để đảm bảo tuổi thọ 20 năm. Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay sẽ hoạt động cùng với kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer để trả lời các câu hỏi cơ bản về vũ trụ.