Kính tiềm vọng: Xuất khẩu quốc phòng Hàn Quốc 'phủ sóng' thị trường Nam Mỹ

Chỉ trong vài tuần, các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã liên tiếp giành được nhiều hợp đồng ở Peru, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương đã phát triển tích cực trong thập kỷ qua, mặt khác, biến Lima thành 'đại bản doanh' của Seoul ở Nam Mỹ.

Theo Breaking Defense, cuối tháng 4, Nhà máy đóng tàu Servicios Industriales de la Marina (SIMA) của Peru đã ký một thỏa thuận với Hyundai Heavy Industries (HHI) của Hàn Quốc để chế tạo một tàu khu trục cỡ nhỏ, một tàu tuần tra xa bờ và hai tàu đổ bộ. Thỏa thuận trị giá 460 triệu USD đánh dấu hoạt động xuất khẩu quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc tại Nam Mỹ. Đặc biệt, thông qua thỏa thuận này, HHI đã bảo đảm được vị thế đối tác chiến lược với Chính phủ và Hải quân Peru trong 15 năm tới.

 Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra (thứ hai, từ phải sang) chứng kiến lễ ký thỏa thuận đóng tàu giữa SIMA và HHI tại Trung tâm Hải quân Peru, ngày 16-4. Ảnh: Naval Today

Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra (thứ hai, từ phải sang) chứng kiến lễ ký thỏa thuận đóng tàu giữa SIMA và HHI tại Trung tâm Hải quân Peru, ngày 16-4. Ảnh: Naval Today

Giới phân tích nhận định, thỏa thuận với SIMA là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc sẽ có sự hiện diện và ảnh hưởng lâu dài ở Peru. “Hàn Quốc hiện đang ở vị trí thuận lợi để hỗ trợ và tác động đến tương lai ngành đóng tàu của Peru, mở đường cho việc SIMA trở thành trung tâm đóng tàu của Seoul ở Trung và Nam Mỹ”, Breaking Denfense dẫn lời chuyên gia quân sự Brazil Andre Carvalho. Còn theo giáo sư Hoshik Nam của Đại học Jacksonville (Mỹ), nếu dự án SIMA thành công, HHI có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động sản xuất quốc phòng ở Peru.

Hải quân Peru đang tìm cách thay thế hạm đội gồm 6 tàu khu trục lớp Lupo cũ do Italy sản xuất. Đây cũng là cơ hội đầy hứa hẹn với HHI, nếu như thỏa thuận đóng tàu khu trục đầu tiên với SIMA diễn ra suôn sẻ. Giám đốc chương trình chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) Mathew George cho biết, thỏa thuận 460 triệu USD mang lại lợi ích cho cả hai bên: SIMA được tham gia học hỏi công nghệ đóng tàu khu trục của Hàn Quốc, đổi lại, HHI sẽ có một cơ sở sản xuất ở Peru, giúp giảm chi phí và trong tương lai cho phép Seoul can dự trực tiếp vào thị trường Mỹ Latin.

Đây không phải là lần đầu tiên SIMA hợp tác với một công ty quốc phòng Hàn Quốc trong các dự án đóng tàu. Hai bến tàu đổ bộ của Hải quân Peru là BAP Pisco và BAP Paita đang được xây dựng dựa trên cơ sở ụ tàu đổ bộ lớp Makassar của Dae Sun Shipbuilding and Engineering. SIMA cũng từng đóng một đội tàu tuần tra lớp Rio Pativilca dựa trên thiết kế của STX.

Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc đã tặng Peru hai tàu khu trục lớp Pohang là BAP Guise và BAP Ferré. Theo giới phân tích, không loại trừ chính những con tàu quà tặng này đã tác động và tạo ra nhu cầu của Lima về tàu khu trục cỡ nhỏ. Chuyên gia SIPRI Siemon Wezeman bật mí, khi Hải quân Hàn Quốc ngừng vận hành một số tàu, Seoul “đã chọn một vài trong số những con tàu đó đem tặng những quốc gia nơi Hàn Quốc đang tiếp thị các tàu mới sản xuất hoặc những loại vũ khí khác”. Wezeman lưu ý, chiến lược này đã thành công ở Ai Cập, Philippines và rằng không chỉ có Hàn Quốc áp dụng “tuyệt chiêu” này mà đã có nhiều cường quốc quân sự áp dụng chiến lược “tặng quà miễn phí” để thúc đẩy cơ hội bán hàng.

Tất nhiên, nhờ tư duy kinh doanh nhạy bén, người Hàn “sớm nhận ra Nam Mỹ đang theo đuổi việc hiện đại hóa trang bị”, từ đó đưa chiến lược phát triển thị trường Nam Mỹ trở thành một trong những ưu tiên của Seoul. Cùng với Ecuador, các quốc gia thuộc Liên minh Thái Bình Dương gồm Chile, Colombia, Peru và Mexico có vị trí đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc. Colombia từng được Hàn Quốc tặng tàu ARC Narinõ lớp Donghae (năm 2014) và tàu ARC Tono lớp Pohang (năm 2020). Khoảng một thập kỷ trước, Tập đoàn đóng tàu STX Hàn Quốc cũng từng đóng hai tàu tuần tra cho Hải quân Colombia.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Ecuador đã ký thỏa thuận với Hải quân Hàn Quốc để nhận chuyển giao tàu tuần tra trọng tải 4.400 tấn-là chiếc thứ ba được Seoul chuyển giao cho Ecuador trong vòng 5 năm. Còn Hải quân Chile hiện đang vận hành nhiều phương tiện mang nhãn hiệu KIA, trong đó có xe chiến thuật hạng nhẹ KIA KM420. Uruguay cũng đang đàm phán với Hàn Quốc để nhận chuyển giao tàu tuần tra hạng trung lớp Chamsuri (PKM).

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/kinh-tiem-vong-xuat-khau-quoc-phong-han-quoc-phu-song-thi-truong-nam-my-778590