Kịp thời chia sẻ rủi ro

Tuần sau, theo chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Thảo luận ở hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí đầu tư dự án này nhằm tạo động lực phát triển cho Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, song cũng còn băn khoăn về khả năng kêu gọi nhà đầu tư, mốc thời gian hoàn thành và đặc biệt là tác động của dự án này đến hai dự án BOT khác.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km, tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, được Chính phủ đề xuất triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và hoàn thành trong năm 2026. Về cơ bản, cao tốc này có hướng tuyến song hành với Quốc lộ 14 và sẽ ảnh hưởng đến 2 dự án đang khai thác theo hình thức BOT. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887, tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, khi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành, người sử dụng sẽ có thêm lựa chọn dẫn đến việc phân lưu lượng phương tiện giao thông, làm giảm doanh thu thu phí của 2 dự án BOT nói trên. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc định lượng mức độ ảnh hưởng chỉ có thể xác định chính xác khi đưa dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vào khai thác sử dụng.

“Cần tính đến lợi ích của 2 nhà đầu tư có dự án bị ảnh hưởng”, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) đề xuất. ĐBQH Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm vấn đề này để các nhà đầu tư thuận lợi và hợp tác, làm ăn lâu dài với Nhà nước. Nếu chúng ta nay thế này, mai thế khác thì trong tương lai nhà đầu tư sẽ không dám làm việc với Nhà nước, ông Hòa nói và “tha thiết đề nghị phải có cơ chế ghi thẳng trong Nghị quyết của Quốc hội”.

Lo lắng của các ĐBQH là có cơ sở. Quan sát những năm gần đây, các nhà đầu tư hầu như không còn mặn mà, hào hứng với BOT nữa, bởi rất nhiều rủi ro có thể phát sinh trong vòng đời của dự án. Đáng ngại hơn, những rủi ro đó chưa được chia sẻ hoặc chậm được chia sẻ. 8 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý gặp vướng mắc nhiều năm nay, đến giờ vẫn chưa chốt được giải pháp tháo gỡ, khiến nhà đầu tư điêu đứng - là một ví dụ điển hình. Nhìn vào những câu chuyện như vậy, không nhà đầu tư nào dám "xuống tiền"! Và giờ đây, nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan sát cách cơ quan nhà nước có thẩm quyền ứng xử với những dự án BOT bị ảnh hưởng khi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành để ra quyết định.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đưa vào sử dụng, sẽ tổ chức đếm xe thực tế tại trạm thu phí và đề xuất giải pháp theo hai hướng. Hướng thứ nhất là kéo dài thời gian thu phí của hai dự án BOT bị ảnh hưởng nhằm bảo đảm hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký. Hướng thứ hai là báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vốn nhà nước tham gia dự án BOT nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Dù Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng xử lý nhưng điều quan trọng không kém là phải xử lý dứt khoát và kịp thời để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư của hai dự án khi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vận hành. Làm được như vậy, các nhà đầu tư khác sẽ cảm thấy yên tâm vì Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro với họ. Chỉ có sự an tâm đó mới thúc đẩy doanh nghiệp rót vốn, đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông - điều này có ý nghĩa đặc biệt lớn với sự phát triển của đất nước, bởi nguồn lực đầu tư công của nước ta là có hạn.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/kip-thoi-chia-se-rui-ro-i376481/