Kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường giải ngân nguồn vốn cho vay tại xã Phú Đa

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường giải ngân nguồn vốn cho vay tại xã Phú Đa

Theo Nghị quyết 11, hệ thống Ngân hàng CSXH được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) với tổng số tiền hơn 38.000 tỷ đồng, gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên (HS, SV) để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách ưu đãi đến các cấp, ngành, cộng đồng DN, người lao động và nhân dân; phối hợp các tổ chức chính trị xã hội, sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn, từ đó tổng hợp và trình Ngân hàng CSXH Việt Nam làm căn cứ phân bổ nguồn vốn cho địa phương.

Đồng thời hướng dẫn lập hồ sơ, kịp thời triển khai cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bình, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Gia đình có 4 người, nguồn thu nhập chính dựa vào công việc làm công nhân của vợ. 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học của các con cũng như thu nhập của gia đình. Hiện, các con đang học trực tuyến, trong khi gia đình chỉ có một chiếc điện thoại.

Vì vậy, khi nghe thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, trong đó nêu rõ đối tượng, chính sách hỗ trợ, “niềm vui đã thực sự được nhân đôi”. Tôi mong muốn Nghị quyết sớm được triển khai để gia đình được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi mua máy tính phục vụ học tập của các con".

Năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 20 lượt người sử dụng lao động với số tiền hơn 5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 2.000 lượt lao động.

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung triển khai huy động vốn, chủ động giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng của các đơn vị trực thuộc; nắm bắt, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do thiên tai dịch bệnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và nguyên tắc có vay có trả cho người dân; tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ có khả năng trả mà người vay chây ỳ; thực hiện lồng ghép các dự án giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.

Hiện nay, Chi nhánh thực hiện tổ chức giao dịch tại 136 điểm giao dịch đặt tại 136 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quản lý hơn 2.200 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động tại 100% thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh. UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã chuyển bổ sung hơn 100 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay vốn giải quyết việc làm.

Trong năm 2021 có gần 30.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay từ chi nhánh Ngân hành CSXH tỉnh để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.

Trong đó Hội sở và các Phòng giao dịch đã thực hiện cho vay hơn 500 lượt hộ nghèo, 1.153 lượt hộ cận nghèo, 1.428 lượt hộ mới thoát nghèo, hơn 9.600 lao động được vay vốn giải quyết việc làm, cải tạo xây dựng hơn 15.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, 159 hộ gia đình được vay vốn mua, xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định số 49/2021 của Chính phủ. Thông qua nguồn vốn tín dụng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh xuống còn 1,51%.

Thời gian tới, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; làm tốt công tác huy động tiền gửi từ cộng đồng dân cư, tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã, Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Tổ TK&VV làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH, nhất là chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Nắm chắc tình hình sử dụng vốn vay của người vay, quản lý chặt chẽ nợ đến hạn, nợ quá hạn của từng tổ TK&VV, từng hộ vay để đôn đốc thu hồi không để nợ quá hạn phát sinh.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75486/kip-thoi-dua-nguon-von-uu-dai-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep.html