Kịp thời 'giải cứu' đường sắt Việt Nam
Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng vì phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải khác và phải ứng phó với dịch bệnh, ngành Đường sắt đang rơi vào cơn 'bĩ cực', không chỉ thiếu vốn để bảo trì đường sắt phục vụ xương sống vận tải quốc gia, mà người lao động còn 'sống dở, chết dở' vì lương thấp, nợ lương… Thực tế này cho thấy ngành đang cần một cuộc 'giải cứu' kịp thời từ các cơ quan chức năng.
Trao đổi về thực tế trên, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, sau hơn 2 năm VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNNTDN - tháng 11/2018), không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), VNR đã không được giao vốn bảo trì đường sắt.
Hàng năm trước đây, Bộ GTVT giao dự toán vốn ngân sách cho VNR để đặt hàng dịch vụ công ích, bảo trì hệ thống kết cầu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) với 20 công ty trực thuộc ngay từ đầu năm và đến cuối năm sẽ nghiệm thu kết quả bảo trì, trong đó bao gồm tiền lương của người lao động.
Từ năm 2020, VNR không được giao vốn bảo trì đường sắt, dịch vụ công ích, trong khi người lao động vẫn phải bám trụ công việc và phải ứng phó với dịch COVID-19, nên 11.315 cán bộ, công nhân viên vừa phải làm việc trong tình trạng nghỉ luân phiên, vừa bị chậm, nợ lương, dẫn đến việc không có thu nhập, có thể phải dừng các hoạt động chạy tàu. Thực tế này đã khiến VNR phải "kêu cứu" tới Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban QLVNNTDN.
Từ đầu năm đến nay, kịch bản chậm giải ngân vốn bảo trì tiếp tục lặp lại, 20 doanh nghiệp đường sắt trực thuộc VNR tiếp tục phải nợ lương người lao động và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì đường sắt. Trong tổng số 11.315 người lao động, VNR có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm; 6.278 lao động thực hiện công việc bảo trì đường sắt; 2.881 lao động gác chắn đường ngang, hầm, cầu và 915 lao động gián tiếp. Với những công nhân làm công việc như gác chắn, tuần đường vốn dĩ thu nhập tiền lương đã thấp (khoảng 5 triệu đồng/tháng), đến nay càng gặp khó khăn hơn, dù công việc vẫn phải đảm bảo.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 636/TTg-CN ngày 19/5/2021, yêu cầu “Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 với VNR trước ngày 24/5/2021; VNR thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư, đảm bảo hoạt động GTVT đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT vừa ký hợp đồng đặt hàng VNR thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021, với tổng giá trị hợp đồng hơn 2.821 tỷ đồng và tạm ứng 50% giá trị hợp đồng, tức khoảng hơn 1.400 tỷ đồng cho VNR.
Phạm vi hợp đồng đặt hàng với VNR bao gồm: Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; khắc phục hậu quả bão lũ; sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác... Thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1 - 31/12/2021.
“VNR đang khẩn trương triển khai các thủ tục chuyển khoản cho các công ty trực thuộc để chi trả lương cho người lao động và chi trả tiền vật tư mà các đơn vị này đã phải tự ứng đưa vào công trình từ đầu năm đến nay", ông Vũ Anh Minh khẳng định.
Qua tìm hiểu, VNR đã hoàn thành ký hợp đồng và chuyển vốn bảo trì tạm ứng cho 20 doanh nghiệp bảo trì từ ngày 2/6. Báo cáo của các doanh nghiệp này cho biết, số tiền tạm ứng nhận được đã được sử dụng cho kế hoạch chi trả lương người lao động, chi trả tiền đầu từ mua vật tư bảo trì và triển khai các nội dung đảm bảo an toàn hạ tầng, an toàn chạy tàu, ứng phó mùa mưa bão sắp tới...