Kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra
Nhiều quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19 đã được đưa ra.
Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã được thông qua vào chiều 11/1 với 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Theo đó, Nghị quyết khẳng định Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trí tuệ. Kết quả kỳ họp thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và phối hợp chuẩn bị từ sớm của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp; khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan luôn thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung: Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Thông qua 4 nghị quyết: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về những kết quả đạt được trong duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội; tạo nền tảng quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhất là các Nghị quyết 05 năm, hằng năm về phát triển kinh tế-xã hội, cùng với việc khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự gắn kết tổng thể, thống nhất, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Thứ hai, khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo; lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành.
Thứ ba, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các thứ tự ưu tiên, cơ chế đặc thù, phân nhóm nội dung cụ thể, có sự tiếp nối, kế thừa, có sức lan tỏa, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá; trong đó, tập trung các giải pháp về hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước.
Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực, chung sức, đồng lòng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai những biện pháp, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn những hạn chế nhất định, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron. Trong thời gian tới, dự báo dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, biến thể khác, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh, trên diện rộng trong cộng đồng, tạo ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế, tác động đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 42/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị quyết khác có liên quan. Tập trung nghiên cứu, rà soát, kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch.
Khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân trong trạng thái bình thường mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch, có các biện pháp thích hợp vào từng thời điểm, huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19.
Tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới; khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đẩy nhanh lộ trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên; nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em. Bảo đảm tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp và tất cả bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao tính tự giác, tích cực, chủ động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện.