Kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân

Chiều 2-7, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM.

Khắc phục hình thức, đi vào thực chất

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá, TPHCM đã nghiêm túc triển khai Quyết định 290 và có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức, cách làm. Đồng thời, nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân vận đã có sự thay đổi sau khi triển khai Quyết định 290. TPHCM còn dành sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của dân, nhất là những vấn đề phức tạp. Dù vậy, TPHCM cũng cần tiếp tục quan tâm để công tác dân vận khắc phục được hình thức, đi vào thực chất, phối hợp đồng bộ nhịp nhàng hơn. “Quan trọng nhất là lợi ích chính đáng, hợp pháp, những vấn đề bức xúc nổi cộm của người dân phải được giải quyết kịp thời”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Trương Thị Mai nhắc lại quan điểm của Đảng về công tác dân vận, trong đó nhấn mạnh, để phát huy được sức dân, để người dân đồng thuận thì cần phát huy quyền làm chủ, để người dân là “người trong cuộc” chứ không phải đứng bên ngoài. Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, công tác dân vận phải gắn với công tác xây dựng Đảng, nêu gương của cán bộ đảng viên. Bởi nếu Đảng không trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên không nêu gương thì dù được quan tâm lợi ích thiết thân, được phát huy quyền làm chủ thì cũng khó mà vận động được nhân dân. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước - nơi đề xuất chính sách, cũng là cơ quan tổ chức thực thi chính sách, càng phải nhận thức đầy đủ về công tác dân vận.

Về phương thức, nội dung tuyên truyền, theo đồng chí Trương Thị Mai, cần tiếp tục đổi mới và sử dụng có hiệu quả phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Luôn tìm kiếm sự đồng thuận

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, khẳng định, Thành ủy và cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai Quyết định 290 và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là việc TPHCM đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chú trọng thực hiện theo phương châm xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực xã hội ủng hộ chương trình giảm nghèo bình quân đạt 4.000 tỷ đồng/năm. TPHCM cũng mạnh dạn nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp tiếp cận đa chiều chương trình giảm nghèo với các chính sách cụ thể, toàn diện hơn. Đến nay, TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

Tương tự, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TPHCM phát động thi đua “Cả TP chung sức xây dựng nông thôn mới”, hỗ trợ 5 huyện ngoại thành. Kết quả, giai đoạn 2011-2019, TPHCM huy động được gần 73.560 tỷ đồng; huy động hơn 26.040 hộ dân hiến gần 3.000.000m2 đất (ước trị giá trên 2.240 tỷ đồng) mở rộng đường giao thông nông thôn. Đến nay 54/56 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập khu vực nông thôn TPHCM đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Công tác cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chia sẻ thêm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang khẳng định TPHCM rất quan tâm đến công tác dân vận. Theo đó, TPHCM phân công các cán bộ giỏi, dày dạn kinh nghiệm làm công tác dân vận, ưu tiên các nguồn lực và luôn có những cách làm mới như Quy định 1374-QĐ/TU (ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước), dân vận khéo…

Đồng chí Trần Lưu Quang phân tích, với đặc thù là một thành phố lớn, phải đối mặt với nhiều thách thức, nếu không tìm kiếm được sự đồng thuận của người dân là thất bại. Những thách thức đó đến từ áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách cả nước; đồng thời phải gánh vác cho các địa phương khác về trường học, bệnh viện…

Trong khi đó, tỷ lệ ngân sách được giữ lại chỉ 18%, thấp nhất trong tất cả tỉnh thành. TPHCM cũng còn rất nhiều việc tồn đọng như liên quan đến thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) cùng nhiều việc khác. Đó còn là áp lực về quy mô quá lớn trong khi khuôn khổ, quy chế không phù hợp, như xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có tới 124.000 dân. “Trước những thách thức này, TPHCM luôn cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất của người dân. Bởi vì, nếu dân không đồng thuận thì không thể làm được”, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

MAI HOA - KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kip-thoi-giai-quyet-nhung-buc-xuc-cua-nguoi-dan-670711.html