Kịp thời phát hiện, xử lý các loại tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại
Sáng nay (17/1), Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ động nắm chắc tình hình, tập trung đấu tranh giải quyết những vấn đề phức tạp, các loại tội phạm. Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh; các vụ án điểm dư luận quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Trong năm, toàn quốc xảy ra 58.086 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời xử lý nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, tối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã kiềm chế và làm giảm tội phạm về trật tự xã hội. Toàn tỉnh xảy ra 136 vụ, giảm 9 vụ so với năm 2022; điều tra, khám phá 1.138 vụ, với 1.345 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện, xử lý 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát gần 3.000 lượt vụ, qua đó phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 2.000 vụ (giảm 9,3%) với 2.183 đối tượng vi phạm các quy định liên quan đến hàng hóa. Hoạt động phối hợp giữa các lực lượng đã có chuyển biến tốt hơn, tổ chức kiểm tra đạt hiệu quả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm; tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện nhanh tội phạm và các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không để tạo thành điểm nóng phức tạp kéo dài. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang ngày một tinh vi. Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý.