Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo 'làm sạch' dữ liệu dân cư trong triển khai Đề án 06
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai Đề án 06 và làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo tiêu chí 'đúng, đủ, sạch, sống', sáng 1-4, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với 14 địa phương. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị giao ban, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã đánh giá kết quả của công an 9 địa phương vẫn còn có tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06.
Đánh giá những tồn tại
Tại điểm cầu Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội thay mặt CATP đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 tại địa bàn thành phố. Theo đó, vấn đề nổi cộm nhất của Hà Nội hiện nay chính là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cổng dịch vụ công. “CATP Hà Nội đã bám sát tiến độ cho đến ngày 1-4, qua hệ thống đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và cơ sở dữ liệu khác của các bộ ngành, đã tái cấu trúc quy trình và sớm nhất sẽ hoàn thiện đẩy đến dịch vụ mới” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết.
Hiện việc thanh toán điện tử của Hà Nội đã được áp dụng chữ ký số, UBND TP đã giao cho Sở Thông tin - Truyền thông cùng với các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; bắt đầu triển khai chữ ký số cho cán bộ công chức. Tất cả công chức cho đến ngày 31-3 đã tập huấn xong để sử dụng thành thạo dịch vụ công. CATP Hà Nội cũng đã khắc phục vấn đề kinh phí, lên kế hoạch dự trù đầy đủ. Việc đấu thầu trang thiết bị trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm kiểm soát thông minh… CATP đang tham mưu UBND TP sớm đưa vào đấu thầu.
Về nhiệm vụ làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sống, sạch” CATP đã triển khai thực hiện từ tháng 3-2023 đến nay. Đặc biệt, Giám đốc CATP đã ban hành Kế hoạch 01, đây được xem là kế hoạch xương sống dài hạn, xác định “đúng, đủ, sống, sạch” là vấn đề cốt tử trong dữ liệu dân cư. “Thứ năm hàng tuần, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã ra văn bản thông báo chỉ tiêu nhóm dữ liệu còn tồn tại để chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giao công an xã, phường phải thường xuyên tra cứu, yêu cầu trao đổi, cũng như các yêu cầu dịch vụ công, làm sạch các nhóm dữ liệu” - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết thêm.
Ngày 20-3 vừa qua, CATP Hà Nội đã sơ kết 2 tháng thực hiện Kế hoạch 01, đồng thời có 3 kế hoạch tiếp theo là Tổng kiểm tra tạm trú trên địa bàn; Tổng kiểm tra hủy định danh cá nhân; Tổng kiểm tra kế hoạch lưu trú. Các kế hoạch này sẽ xác định những nhóm dữ liệu nào trực tiếp đến người dân, dịch vụ công sẽ được ưu tiên xử lý trước. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, biến động dân cư của Hà Nội rất lớn, dù đã được sự phối hợp chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn nghiệp vụ nhưng vẫn gặp phải nhiều tình huống đặc biệt. Do đó, đề nghị Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cần ưu tiên cho Hà Nội, bố trí một tổ công tác để hỗ trợ CATP làm sạch nhóm dữ liệu và các vấn đề kỹ thuật khác.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận những khó khăn, vất vả, sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện Đề án 06 ở 4 cấp. “Chúng ta có quyền tự hào vì chỉ có lực lượng công an mới có thể làm được những kỳ tích, mới duy trì, đảm bảo “nuôi sống” được những dữ liệu dân cư phát sinh từng ngày, từng giờ” - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, luật pháp quy định lực lượng công an (Cảnh sát QLHC về TTXH) được quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu. Lực lượng công an đã thành công trong nhận diện các vấn đề quản lý Nhà nước về an ninh trật tự ở cơ sở. Chính nhờ quản lý chặt chẽ được hộ, người, đối tượng, trong hàng chục năm qua, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã làm tốt nhiệm vụ đó, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, chúng ta chuyển sang môi trường dữ liệu, chuyển từ truyền thống sang hiện đại, từ thủ công sang công nghệ, lực lượng công an cũng phải hoàn thành được nhiệm vụ đó, phải đảm bảo được việc quản lý dữ liệu, làm sạch dữ liệu. Nếu không hoàn thành được dữ liệu sẽ dẫn đến việc không thể đáp ứng được yêu cầu quản lý, phục vụ nhân dân trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số. Đối với khó khăn về thiết bị, kỹ thuật, tới đây sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để khắc phục, nhưng trước hết các địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa.
Kết luận hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, các cục nghiệp vụ Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc của công an 14 địa phương dự giao ban; giao Văn phòng Bộ Công an tập hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ, đề xuất các ngành, Ban chỉ đạo Chính phủ thực hiện Đề án 06, đôn đốc thực hiện trong các đơn vị thuộc Bộ Công an. Cùng với đó, yêu cầu Giám đốc Công an 14 tỉnh, thành phố dự giao ban báo cáo lãnh đạo Bộ, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư những tồn tại và khắc phục trong thời gian nào, đề xuất vấn đề cần giải quyết. “14 tỉnh này đã đi sau các địa phương khác thì cần bố trí thời gian để “chạy” kịp về đích. Sẽ không có thời gian dành riêng cho 14 địa phương, không ai được phép về sau các địa phương khác” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
* Về nhiệm vụ làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sống, sạch” CATP Hà Nội đã triển khai thực hiện từ tháng 3-2023 đến nay. Đặc biệt, Giám đốc CATP đã ban hành Kế hoạch 01, đây được xem là kế hoạch xương sống dài hạn, xác định “đúng, đủ, sống, sạch” là vấn đề cốt tử trong dữ liệu dân cư. Thứ năm hàng tuần, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã ra văn bản thông báo chỉ tiêu nhóm dữ liệu còn tồn tại để chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giao công an xã, phường phải thường xuyên tra cứu, yêu cầu trao đổi, cũng như các yêu cầu dịch vụ công, làm sạch các nhóm dữ liệu.