Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự
Sáng 28/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung 16 nội dung
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nêu rõ, Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được Luật THADS giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết trong quá trình tổ chức THADS; theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”; những vấn đề còn nhiều ý kiến, chưa thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong quá trình xây dựng Luật THADS.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Nghị định và kết quả lấy ý kiến của các đơn vị, cơ quan THADS, Thường trực Tổ biên tập đề xuất sửa đổi, bổ sung 16 nội dung liên quan đến 10 Điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, bao gồm: Những nội dung quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật THADS và những nội dung quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Luật THADS được chia vào 03 nhóm quy định cụ thể là: các quy định về biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án; quy định về trình tự, thủ tục chung; các quy định khác.
Tại cuộc họp, các thành viên tổ công tác cơ bản đồng tình với đề xuất sửa đổi Nghị định, các thành viên nêu rõ, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật về THADS, qua hơn 8 năm thực hiện, Nghị định đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới công tác THADS. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Nghị định đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Cần có quy định chế tài mạnh hơn trong cưỡng chế thi hành án
Tại phiên họp, Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Thi hành án, Bộ Quốc phòng cho rằng cần giữ nguyên quy định về trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thể thực hiện khiếu nại trong thời hiệu quy định nhằm thống nhất áp dụng và bảo vệ quyền hợp pháp người khiếu nại. Bên cạnh đó, đại diện Cục THADS Bộ Quốc phòng cho rằng cần có quy định chế tài mạnh hơn trong áp dụng biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ và chi phí thi hành án nhằm hạn chế tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản khác gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án.
Về quy định về trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần có hướng dẫn chặt chẽ tránh những vướng mắc liên quan đến pháp luật về dân sự và các luật liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa các luật.
Đồng quan điểm với đại diện Văn phòng Chính phủ, Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho rằng cần có hướng dẫn, quy định chặt chẽ về các trở ngại khách quan bởi lẽ, trong quy định chỉ nêu trường hợp dịch, bệnh chỉ là một trường hợp nhỏ trong các trở ngại khách quan. Đối với quy định về tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án hoặc khiếu nại đúng hạn trong trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án hoặc khiếu nại đúng hạn thì chỉ cần có hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có.
Cùng với đó, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã cho ý kiến vào các nội dung về Kế hoạch xây dựng Nghị định; các nội dung về hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án nhất là việc xử lý các loại tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, vốn góp; hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp đương sự thỏa thuận; hướng dẫn thủ tục áp dụng biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ và chi phí thi hành án nhằm hạn chế tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản khác gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án; tạo thuận lợi và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, công dân, cơ quan, tổ chức và nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao những ý kiến góp ý, trao đổi của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Đồng thời, đề nghị các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động, tập trung, nghiên cứu kỹ các nội dung đề xuất sửa đổi.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập, Thứ trưởng đề nghị bộ phận thường trực Cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích, nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý của các thành viên để chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản bám sát quy định Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và thẩm quyền của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật THADS, sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định làm hạn chế kết quả THA, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực thi Nghị định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác THADS.