Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Sáng 30-6, tại TX. Gò Công, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp quý II-2020. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TX. Gò Công, các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông.

Tại hội nghị, Cục Thuế tỉnh đã thông tin các chính sách liên quan đến ngành Thuế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

CẦN ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

Trước tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh đã bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Sản xuất gỗ Hưng Thịnh Phát (xã Tân Trung, TX. Gò Công) cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất hộp gỗ đựng nĩa và dao xuất khẩu sang châu Âu.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm này, công ty vẫn còn ngưng hoạt động, công nhân không có làm việc. Doanh nghiệp đã lập danh sách gửi địa phương để tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Theo ông Tuấn, hiện ngành Thuế áp dụng hóa đơn điện tử rất tiện lợi cho doanh nghiệp so với sử dụng hóa đơn đỏ. Song doanh nghiệp cũng còn khúc mắc trong việc sử dụng hóa đơn.

Mặt khác, ông Tuấn cũng cho rằng, ngành Thuế cần kiểm tra doanh nghiệp khoảng 1 hoặc 2 năm/lần nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời khắc phục những hạn chế về công tác thuế trong quá trình hoạt động.

Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, ông Võ Tấn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Duy (huyện Gò Công Đông) cho rằng, những tháng đầu năm, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Do thiếu nước ngọt, không có nước để phục vụ việc xây dựng nên có nhiều công trình phải ngừng thi công.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trước ảnh hưởng của hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19, ngành Thuế nên theo dõi sát những ngành nghề bị ảnh hưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

KỊP THỜI TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phùng Văn Minh cho rằng, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp quý II-2020, cơ quan Thuế đã nhận được nhiều ý kiến, chủ yếu xoay quanh một số khoản chi phí không có hóa đơn, áp dụng hóa đơn điện tử, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đối với các nội dung này, Cục Thuế tỉnh đã có giải thích hướng dẫn cụ thể; đồng thời, giao trách nhiệm cho Chi cục Thuế khu vực TX. Gò Công - Gò Công Đông - Tân Phú Đông tiếp tục tìm hiểu, gặp gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Đối với các chính sách hỗ trợ, an sinh của Chính phủ, hiện đã được triển khai thực hiện và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách của Nhà nước trong thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Thanh Đức, hiện toàn tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu chiếm rất lớn.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, kéo theo nhiều khó khăn khác phát sinh. Ở lĩnh vực thủy sản, giày da, may mặc, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh đang gặp khó.

Do đó, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ giải quyết bằng cách tiếp tục quan hệ với các nước, những nước khống chế được dịch sẽ kết nối lại cung cầu, trước hết là khu vực Đông Nam Á và các nước châu Á hoặc một số nước châu Âu.

“Trước mắt, chúng ta phải động viên các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Hiện tất cả các ngành đang thực hiện điều này, đặc biệt là trên lĩnh vực ngân hàng.

Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất lớn. Đồng tiền không thể lưu thông được, nhưng doanh nghiệp phải trả lãi.

Do đó, việc thực hiện giảm hoặc giãn lãi suất ngân hàng hiện đã được thực hiện. Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại Trung ương quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại ở tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đối với nguồn lao động, hiện các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân người lao động. Nếu doanh nghiệp cho người lao động nghỉ khi tuyển lại sẽ rất khó và mất nguồn lao động có tay nghề.

Riêng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cần được giãn.

Đây là việc ngoài thẩm quyền của tỉnh, do đó tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp…” - đồng chí Trần Thanh Đức cho biết thêm.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202006/kip-thoi-trien-khai-cac-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-902939/