Kịp thời triển khai gói hỗ trợ tài khóa 180 nghìn tỷ đồng đến doanh nghiệp
Nhân Dân điện tử vừa trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về Nghị định 41/2020/NĐ-CP (Nghị định 41) vừa được Chính phủ ban hành ngày 8-4-2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19. Với quy mô khoảng 180 nghìn tỷ đồng, chia thành năm nhóm đối tượng hỗ trợ, Nghị định 41 được đánh giá là sẽ có tác động tới 98% số DN hiện nay.
PV: Thưa bà, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng trong những thời điểm có nhiều biến động. Gói hỗ trợ tài khóa theo Nghị định 41 vừa được Chính phủ ban hành có gì khác biệt so với những gói hỗ trợ đã từng thực hiện trước đây?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Nghị định 41 có rất nhiều điểm mới so với các gói hỗ trợ tài khóa đã áp dụng trước đây. Từ trước đến nay, khi xử lý về các loại thuế, ít khi đề xuất về thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng lần này, thuế GTGT được giãn nộp, miễn tính tiền chậm nộp.
Do thuế GTGT nằm trong giá bán sản phẩm, dịch vụ, chỉ trừ không bán hàng, không cung cấp dịch vụ được thì không phát sinh, còn có bán, có cung cấp dịch vụ thì dù lỗ hay lãi cũng phải nộp thuế theo quy định.
Việc gia hạn toàn bộ thuế GTGT năm tháng cho DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn được áp dụng rất rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: sản xuất, xây dựng,vận tải; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế ,du lịch, các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim… và thậm chí cả hoạt động kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 mà trước đây hầu như không xử lý.
Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân gặp khó khăn sẽ được hưởng lợi từ gói giải pháp này.
PV: Một số DN phản ánh Nghị định 41 giống như một liều thuốc bổ trợ lực cho DN nâng cao sức đề kháng chống chịu với dịch bệnh nhưng họ sẽ không được nhận hỗ trợ. Vì họ nằm trong số 2% còn lại, tương đương với khoảng 16.000 DN mà Nghị định 41 không “bao phủ” tới. Ý kiến của bà ra sao?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cho rằng về cơ bản, gói hỗ trợ tài khóa này đáp ứng được yêu cầu, và phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên so với mong muốn của DN thì thường DN muốn được miễn giảm nhiều hơn, nhưng khi xử lý vấn đề phải cân nhắc tổng thể, toàn diện.
Trong mỗi gia đình bao giờ cũng có thu nhập và chi của gia đình mình, ngân sách nhà nước (NSNN) cũng vậy, là hầu bao lo thu chi của cả nước, cũng phải có thu, chi. Làm thế nào để cân đối giữa thu tiền thuế, cụ thể là giãn, miễn thuế qua gói giải pháp về thuế cho các DN, vừa đảm bảo nhu cầu chi khi mà có rất nhiều khoản phải chi tiêu, đặc biệt là hiện nay đang phải chi ngay cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như cách ly, máy móc thiết bị vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế và nhân dân.
Trong lúc thực hiện cách ly xã hội, sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống nhân dân, DN và NSNN cũng đều khó khăn. Do vậy cần xem xét để gói hỗ trợ đưa ra vừa hỗ trợ thiết thực được cho các DN đang gặp khó khăn nhưng không bị tác động quá lớn đến năm tài khóa NSNN năm 2020.
PV: Cộng đồng DN rất mong chờ sớm được giãn thuế để giảm bớt khó khăn về thanh khoản. Làm thế nào để chính sách này đến với DN hiệu quả nhất, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Đúng là tâm lý một số DN cũng lo lắng khi Nghị định Chính phủ được ban hành rất nhanh nhưng việc triển khai của các địa phương thế nào. Rất mừng là ngay trong Nghị định 41 đã quy định cụ thể luôn nội dung này và Tổng cục Thuế cũng đã thể hiện ý chí quyết liệt, triển khai đồng bộ trong toàn ngành để giảm thiểu thời gian của DN.
Theo đó, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế: GTGT, thuế thu nhập DN (TNDN), tiền thuê đất ...
Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Điều này rất quan trọng vì Nghị định ban hành mà ở dưới không kịp thời thì DN không được hưởng lợi. Vấn đề này được quy định luôn lại Điều 4 về trình tự, thủ tục gia hạn của Nghị định 41.
Thí dụ: DN ở địa bàn Hà Nội, thuộc đối tượng được gia hạn theo Nghị định 41, muốn gia hạn thuế GTGT tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 và thuế TNDN tạm nộp của quý 1, quý 2-2020 theo thời hạn tối đa của Nghị định 41 thì chỉ cần gửi 1 thư điện tử đến Cục thuế Hà Nội theo mẫu biểu quy định sẽ được gia hạn thời gian nộp cho tất cả thuế GTGT, TNDN luôn cho bốn tháng, hai quý. DN không phải làm sáu (6) tờ gia hạn như thông thường, cũng không phải chờ cơ quan thuế ra quyết định mới được áp dụng.
Đây là điều rất mới, được Thủ trưởng cơ quan thuế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị có số thu lớn nhất cũng như các địa phương khác đã triển khai rất đầy đủ. Kể cả trước khi có Nghị định này, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế xử lý kịp thời các trường hợp theo thầm quyền quy định tại các văn bản pháp quy để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Tôi cũng là thành viên Tổ cố vấn của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và nhận thấy tất cả những đề xuất của Hội đồng đều được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ghi nhận, triển khai rất kịp thời.
Vì vậy tôi hy vọng và tin tưởng các DN sẽ được nhận ngay gói hỗ trợ kịp thời nhất. Vấn đề còn lại là cần có hướng dẫn thêm để chính sách đến đúng đối tượng. Thí dụ đối với các các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tổ chức chi nhánh nào được hưởng… Giữa các cơ quan thuế cũng cần có sự hướng dẫn triển khai đồng bộ, kịp thời… để cho DN thực hiện gói giải pháp tốt nhất.
PV: Thời gian qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân, DN đã hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thông qua những đóng góp thiết thực bằng tiền và trang thiết bị y tế để chung tay chống dịch Covid-19. Các đối tượng này có thuộc trường hợp áp dụng của Nghị định 41 không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Đây chính là điều tôi còn băn khoăn. Hiện nay, theo quy định của Luật Thuế TNDN và các băn bản hướng dẫn, có 5 khoản tài trợ của DN được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Đó là các khoản tài trợ cho y tế, giáo dục, thiên tai lũ lụt, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo, tài trợ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, các chương trình mục tiêu theo quy định của Chính phủ.
Nhưng trong văn bản hiện nay chưa có quy định về tài trợ cho dịch bệnh vì từ trước đến nay chưa có dịch bệnh nào mang tính chất nghiêm trọng cần công bố dịch trong toàn quốc. Trước đây chỉ có thiên tai, địch họa, chiến tranh nhưng yếu tố địch họa này đã bỏ trong xây dựng văn bản pháp luật, chỉ còn thiên tai.
Theo quan điểm của tôi, các cá nhân có hoạt động tài trợ chống dịch Covid-19 thông qua MTTQ đã được trừ khi tính thuế TNDN rồi. Nhưng đối với các DN có đóng góp cho hoạt động này thông qua MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, thành phố… bằng tiền mặt hoặc thiết bị y tế có chứng từ đầy đủ thì nên xem xét cân nhắc đây là một hình thức tài trợ cho trường hợp đặc biệt (hoặc có thể coi như hình thức tài trợ cho y tế).
Khi đó, DN sẽ được hạch toán chi phí hỗ trợ này vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Qua đó hỗ trợ, khuyến khích DN chung tay cùng nhà nước đẩy lùi Covid-19 và nhà nước cũng chia sẻ với DN số tiền đó được hạch toán vào chi phí. Như vậy DN sẽ được giảm đi 20% thuế TNDN trong giá trị tài trợ đó.
Trường hợp DN lỗ trong năm 2020, nếu trong đó có nguyên nhân tài trợ, thì DN được chuyển lỗ sang kỳ sau, thời gian chuyển lỗ 5 năm. Như vậy cũng đỡ khó khăn cho DN và quan trọng hợn là sự chia sẻ của nhà nước với họ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!