KOL/KOC vi phạm khi livestream bán hàng sẽ bị đình chỉ, khóa tài khoản
KOL/KOC vi phạm quy định khi livestream bán hàng sẽ đối mặt với các chế tài nghiêm khắc như đình chỉ hoạt động, khóa tài khoản và bắt buộc tham gia đào tạo pháp lý nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Ngày 17/7, tại sự kiện TikTok Shop Vietnam Summit 2025 với chủ đề "Fun Selling - Sustainable Growing" diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương) công bố những điểm mới đáng chú ý trong Luật Thương mại điện tử sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025 và chính thức có hiệu lực từ năm 2026.

Nếu xảy ra vi phạm, các KOL/KOC có thể bị đình chỉ hoạt động, khóa tài khoản và các chế tài khác tùy mức độ
Theo ông Tuấn, luật sửa đổi hướng đến mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán trực tuyến, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng đang phát triển nhanh nhưng thiếu kiểm soát. Trong đó, KOL/KOC - những người có ảnh hưởng được thuê để giới thiệu sản phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng hơn nếu vi phạm quy định.
Từ năm 2026, KOL/KOC muốn livestream bán hàng buộc phải hoàn tất khóa đào tạo chuyên sâu về pháp luật thương mại điện tử. Sau khi hoàn thành, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận mới đủ điều kiện hoạt động. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa môi trường thương mại điện tử, thay vì để phát triển tự phát như thời gian qua.
Đối với người bán, luật quy định bắt buộc cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng hàng hóa cho nền tảng. Trong trường hợp thuê KOL/KOC livestream, cũng phải khai báo thông tin minh bạch và chịu trách nhiệm về nội dung quảng bá sản phẩm.
Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Các nền tảng như TikTok Shop có quyền đình chỉ hoạt động tài khoản, khóa tài khoản hoặc áp dụng các biện pháp chế tài khác tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử sẽ bị truy cứu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sai phạm của nhà bán hàng mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Luật mới cũng đặt ra yêu cầu định danh bắt buộc đối với tất cả tài khoản kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng tạo tài khoản ảo, né tránh trách nhiệm pháp lý. Hàng hóa đăng bán phải công khai thông tin chi tiết về chất lượng, xuất xứ, chứng nhận hợp quy và các đánh giá từ người tiêu dùng, trừ khi nội dung vi phạm quyền riêng tư hoặc mang tính sai lệch.

Từ năm 2026, KOL/KOC muốn livestream bán hàng buộc phải hoàn tất khóa đào tạo chuyên sâu về pháp luật thương mại điện tử
Bên cạnh các quy định siết chặt hơn, Luật Thương mại điện tử sửa đổi cũng mở ra những quyền lợi cụ thể cho nhà bán hàng. Để hỗ trợ họ nắm bắt và tuân thủ đúng quy định, Cục Thương mại điện tử sẽ phối hợp với TikTok Shop tổ chức chuỗi khóa đào tạo về pháp lý và kinh doanh bền vững trong môi trường số.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định: “Chúng tôi hướng đến một hệ sinh thái thương mại điện tử chuyên nghiệp, minh bạch và phát triển bền vững. Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn, còn người bán hàng cũng được trang bị công cụ pháp lý để kinh doanh đúng luật”.
Đại diện TikTok Shop Việt Nam, bà Oanh Nguyễn - Giám đốc ngành hàng Thời trang, cho biết nền tảng này ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, gấp 1,8 lần so với năm 2023. Hơn 17.000 nhà bán hàng đã tham gia các chiến dịch lớn, với hơn 40 triệu sản phẩm được tiêu thụ, đặc biệt ở các ngành hàng bách hóa, đời sống và thực phẩm.
Những thay đổi trong Luật Thương mại điện tử lần này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của hoạt động bán hàng trực tuyến tại Việt Nam, đồng thời tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng.