Kon Plông – bản giao hưởng dưới mái rừng thiêng

Có những vùng quê ta chỉ qua một lần nhưng khi rời xa thì lòng mong nhớ, muốn sao sớm được trở lại thăm, để được đắm mình sâu hơn những xúc cảm của lần đầu được gặp. Tôi đã nhớ về mái làng Kon Plông với tâm cảm như thế…

Già làng A Bầnh và và trưởng làng Kon Plông A Triết bên ngôi nhà đầm của già A Bầnh. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Trong cuộc du khảo mới đây, tôi đã dừng chân ở làng Kon Plông ở xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) để từ đây có thể tiếp cận con nước đầu nguồn sông Ba. Điều gây ấn tượng mạnh với tôi khi vừa chạm Kon Plông là ở đây còn rất nhiều rừng già – cả một biển đại ngàn thẳm xanh nhìn không hết mắt bao bọc buôn làng chứ không phải là những mảng rừng nhỏ nhoi, chắp vá như ở nhiều vùng cao khác. Cái tươi mát phô ra từ trùng điệp ngàn xanh đã xoa nhanh nơi tôi nỗi mệt nhọc của hành trình hơn cả trăm cây số qua quốc lộ 24, nhất là vượt qua con đèo Violet dài và hiểm trở với đỉnh cao 1.300 mét.

Lúa xanh giữa rừng xanh

Làng mới Kon Plông nằm bên đường Đông Trường Sơn (mới được khai mở), cách thị trấn Măng Đen của huyện Kon Plông chừng 27 cây số về hướng Đông nhưng ruộng đồng của dân làng phần lớn nằm sâu giữa rừng già theo những lối đi khuất lấp, nhỏ nhoi. Nhìn những lũng ruộng nhỏ, có nơi chỉ vài ba khoảnh, được bao bọc chung quanh bởi rừng già có thể hiểu được những cư dân Mơ Nâm ở đây đã rất quý ruộng, quý rừng. “Làm ruộng nước có hột lúa ăn được lâu dài. Làm ruộng nước phải giữ cái rừng cho tốt”, ông A Bầnh, vị đại lão của làng Kon Plông, nói.

Già A Bầnh đang ở một mình trong ngôi nhà đầm, loại nhà được chủ ruộng làm nơi mé rừng bên đồng ruộng để tiện ăn ở trong lúc làm mùa. “Nhà mình bữa nay đang cấy lúa đó!”, già A Bầnh chỉ tay ra đám ruộng trước nhà có đông người đang cấy, nói. Trong đám cấy với 16 thợ cấy có đến 7 người là nam giới. Đây là điều khác lạ với vùng đồng bằng nơi cấy lúa là phần việc chủ yếu của phụ nữ. Thêm chuyện lạ ở đây là thay vì dùng trâu kéo bừa làm tơi nhuyễn mặt ruộng để cấy mạ xuống thì cư dân lại lùa một đàn trâu từ bốn năm con trở lên cùng giẫm đạp. “Dùng con trâu kéo cái bừa thì con kéo, con nghỉ, là không công bằng. Mà cho cả bầy trâu cùng giẫm thì cái ruộng được mềm hơn, con trâu cũng không nhọc sức như kéo cái bừa. Đám ruộng đang cấy của A Bầnh có 16 con trâu của con cái nhà ông giẫm đó”, trưởng làng A Triết giải thích. Làng Kon Plông dùng trâu giẫm ruộng thay bừa đã hơn 20 năm nay, cả làng với 120 hộ nay đã có được 230 con trâu để giẫm cho 48 héc ta ruộng nước. Thật đáng mừng!

Ruộng lúa nước đã có với dân làng Kon Plông từ lâu đời. “Thời ông cha mình đã biết làm ruộng nước rồi”, già A Bầnh kể. Với giống lúa địa phương, xuống mạ từ tháng 3 và gặt vào tháng 9 Âm lịch. Nhờ ruộng nước nên dân làng thời trước vẫn có đủ gạo ăn, chỉ làm một ít rẫy bắp để có thêm lương thực phụ. Cái thiếu với họ thời trước là muối ăn. “Dân mình thời đó sống dựa theo nước Đăk Păk, nó là con suối lớn, là cái đầu của sông Ba đó. Nó chảy ra từ cái núi Cuông Rua, rồi chảy xuống cái suối Đăk Rông của (huyện) K’Bang”, già Bầnh nói, bước chân của ông biết được ngọn nguồn của con nước giữa trùng trùng núi cao rừng rậm quê mình. Cuông Rua là cách gọi dãy đại hùng sơn Ngọc Rô (có đỉnh cao 1.549 mét) của cư dân Mơ Nâm sống bên chân dãy núi này.

Vị trưởng lão cho rằng cái tên làng Kon Plông của mình đã có từ xưa. Đây là làng có dân đông, đất rộng, người Pháp đến đóng đồn ở đây nên tên được gọi là đồn Kon Plông, chỗ đồn cũ nay thuộc làng Vi Glơng. “Hồi đó mình chừng 10 tuổi, đã thấy lính Tây ở đó có cái mũi dài, mắt xanh, họ mang cây súng “mách” vô đạn từng viên một”, già Bầnh kể. Theo trưởng làng A Triết, làng mới Kon Plông nay cách chỗ làng cũ hơn một buổi đường, khoảng hơn 20 cây số. Tên huyện Kon Plông có từ sau ngày hòa bình, được lấy từ tên làng Kon Plông, bởi đây là một địa danh lịch sử: chiến thắng đồn Pháp Kon Plông hồi năm 1946.

Bản giao hưởng không lời

Ở làng Kon Plông có một loại hoa hồng khá lạ: thân cứng nhưng trông vẫn như loại thân dây, có nhiều cành nhánh mọc rất dài, mềm mại dựa vào nhau theo hình cánh cung. Đặc biệt, loại hồng này có hoa mọc thành chùm, mỗi chùm có đến hơn cả mười đóa dựa khít nhau, đóa hoa to, màu hồng tươi, có chùm nhụy vàng với đầu nhụy nhô cao, cả một lùm hoa hồng phô sắc hương trông vô cùng rạng rỡ, tươi vui.

Nhưng dân làng Kon Plông không trồng nhiều loại hồng đẹp này dù chúng hợp với tiểu vùng khí hậu gần như là bán ôn đới có độ cao trên 1.000 mét ở đây. “Dân làng mình sống ở nhà đầm nhiều hơn sống ở làng”, trưởng làng A Triết cho hay. Nhìn những ngôi nhà đầm, những kho thóc đứng rải rác quanh bìa rừng ở những lũng ruộng có thể hiểu sao cư dân gắn bó với mái nhà bên thung ruộng. Cái đẹp từ sắc xanh, sắc vàng của lúa tơ, lúa chín hòa với sắc xanh quanh năm của rừng cây bên chân ruộng nối vào với cái biển xanh thăm thẳm của ngun ngút núi rừng chung quanh dường như đủ để họ đắm mắt vào và thỏa được nhu cầu về cái đẹp từ hoa lá cỏ cây khiến họ bớt phải nhọc công vun trồng, chăm chút những loại bông hoa khác!

Và họ tự mình biết phải giữ gìn cái đẹp lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho mình đó. Rừng xanh với cây gỗ tốt gần bên nhà, bên ruộng, bên những dãy núi chung quanh. Nhưng nhà cửa của dân làng thảy đều rất đơn sơ. Họ không giết hại cây gỗ lớn để làm nhà cao cửa rộng. Người làng Kon Plông cũng không làm nhiều rẫy – điều các dân tộc vùng cao ở nhiều nơi thường mắc phải, từng gây tổn hại lớn cho rừng. Và phần rẫy ít oi của mỗi nhà chỉ làm một năm rồi bỏ, chờ đến ba năm sau cho đất hồi phục rồi mới làm lại. Phần đất rẫy để trồng các loại hoa màu phụ này lại được kế truyền cho con cháu, nhờ vậy nên ngăn được việc phá rừng cây để mở rẫy mới.

Người Mơ Nâm ở Kon Plông không có tục cúng con nước như người Xơ Đăng dù họ có mối quan hệ gần gũi với tộc người này. Họ cũng không cúng cầu mưa như người Ba Na là tộc người sống không xa họ mấy. Không linh thiêng hóa dòng nước nhưng họ biết quý trọng dòng nước bằng cách quý rừng, giữ rừng. Sống thuận thảo với rừng, già A Bầnh nói bao đời qua, trải từ đời ông cha đến nay mưa lũ đã không gây hại gì nhiều cho dân làng. Mưa trút nước xuống đã có tán rừng che chở bên trên, còn rễ cây, thảm lá rụng lâu ngày kiềm giữ để dòng chảy được nhẹ nhàng, êm thấm. Phần lá tơi mục ở rừng trôi xuống giúp đất ruộng được màu mỡ.

“Dân mình quý cái cây cái rừng thì cái cây cái rừng thương lại dân mình mà!”, già A Bầnh nói.

Nhìn khuôn mặt chất chứa sự thuần phác, hiền hậu của ông thật xúc động. Cuộc du khảo còn kéo dài, trên đường đi, nhìn những chỗ rừng còn rừng mất, câu nói đơn sơ mà như là minh triết của con người đã trải cả đời dài với rừng với quê làng nơi sâu thẳm ngàn xanh cứ vẳng bên tôi. Và khi những trận lũ kinh hoàng xảy ra ở phía hạ nguồn của con nước phát xuất từ con suối lớn Đăk Păk xa xôi, tôi lại càng nhớ già A Bầnh, nhớ ngôi làng yêu quý của ông như nhớ một chỗ an lành.

Bình yên một Kon Plông – những ngôi nhà nhỏ bên vài cụm hồng luôn thắm sắc bốn mùa dưới mưa nắng mù sương, bên ruộng lúa bên ngàn cây mãi xanh biếc yêu thương. Tất cả như một bản giao hưởng không lời bên một cõi rừng thiêng lồng lộng. Kon Plông, Kon Plông!

Huỳnh Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kon-plong-ban-giao-huong-duoi-mai-rung-thieng/