Kon Tum còn vướng mắc trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 57 Giấy phép khai thác cát, đá và đất san lấp. Hầu hết các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy mô thiết kế khai thác, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum còn vướng mắc trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản. Ảnh: TS
Trong thời gian tới, các Giấy phép khai thác cát, đất san lấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thời hạn khai thác, cơ bản đáp ứng được tình hình cung, cầu vật liệu trên địa bàn tỉnh.
Riêng các dự án khai thác đá trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 13 điểm mỏ đá còn hiệu lực khai thác thuộc địa bàn các huyện, thành phố như: Thành phố Kon Tum (03 mỏ, trong đó tạm dừng hoạt động 01 mỏ); Sa Thầy (02 mỏ); Đăk Tô (02 mỏ); Đăk Hà (01 mỏ chưa khai thác); Kon Plông (01 mỏ đã tạm dừng khai thác); Đăk Glei (03 mỏ, trong đó 02 mỏ chưa khai); Kon Rẫy (01 mỏ).
Tại các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai hiện không có điểm mỏ đá, do vậy việc đáp ứng nhu cầu vật liệu đá cho xây dựng trên địa bàn các huyện nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung dự kiến chưa đáp ứng như cầu; việc vận chuyển đá từ nơi khác đến sẽ làm nâng cao giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến dự toán thi công các công trình trên địa bàn tỉnh cũng như kinh tế của người dân.
Hiện nay, tỉnh có 36 điểm mỏ trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang triển khai các thủ tục pháp lý theo quy định để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; có 13 Giấy phép khai thác lập thủ tục đóng cửa mỏ cát và 13 Giấy phép lập thủ tục đóng cửa mỏ đá.
Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Kon Tum được chỉ rõ, chẳng hạn như việc lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thỏa thuận bồi thường về đất đai đối với người dân đang sử dụng đất; khai thác khoáng sản không có trong kế hoạch sử dụng đất; việc khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng…
Thực tế cho thấy, nội dung kiểm toán đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong thời gian qua. Bởi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
Đơn cử, năm 2022, cuộc kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 cũng được KTNN thực hiện với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Kon Tum.
Trước đó, năm 2013, KTNN cũng đã tổ chức kiểm toán chuyên đề Cấp giấy phép và quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2009-2012 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 25 tỉnh, thành phố.
Năm 2017, KTNN đã kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và 8 tỉnh, thành phố.
Các kết quả kiểm toán đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại nhiều địa phương như: còn bất cập trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ; thực tế khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp; nhiều địa phương chưa khoanh định và phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản; nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; cơ quan tham mưu chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản…/.