Kon Tum: Đề xuất giải pháp gỡ khó cho các khu, cụm công nghiệp
Việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Kon Tum, nhưng thực tế đã bộc lộ hàng loạt hạn chế và bất cập trong hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Vừa qua, Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Kon Tum đã thực hiện kiểm tra công tác quy hoạch, đầu tư và hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Kết quả cho thấy nhiều cụm công nghiệp đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Cụ thể có 4 cụm công nghiệp bao gồm: Hòa Bình, Đăk Sút, Đăk Ruồng và thị trấn Sa Thầy chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Khu công nghiệp huyện Đăk Tô có hơn 100ha đất chưa thu hút đầu tư, gây lãng phí; 6/8 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, cụm công nghiệp Đăk La có vị trí đẹp và gần trung tâm, từng hứa hẹn sẽ đem lại diện mạo mới về phát triển công nghiệp cho địa phương. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm từ khi có quyết định thành lập, việc thu hút các dự án vào hoạt động vẫn rất khó khăn. Hiện cụm công nghiệp Đăk La mới chỉ có 7 doanh nghiệp thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích. Vấn đề lớn nhất là giải phóng mặt bằng, khiến nhiều nhà đầu tư phải chờ đợi. Việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải cũng đối mặt với những khó khăn về tài chính và quy định.
Cụm công nghiệp Kon Plông, mặc dù đã đầu tư hạ tầng, nhưng hiện không có dự án nào hoạt động. Điều này đặt ra nghi vấn về việc quản lý và phát triển cụm công nghiệp, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Các vấn đề bất cập tại các cụm công nghiệp ở tỉnh Kon Tum đang là nguyên nhân gây lãng phí và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương. Đề xuất giải pháp và hỗ trợ từ chính quyền cần được triển khai để cải thiện tình hình và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum.
Trước tình trạng trên, Đoàn giám sát đề xuất UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hướng dẫn địa phương thực hiện chương trình và chính sách ưu đãi để khuyến khích hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, tăng cường đối thoại với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong cụm công nghiệp để giải quyết khó khăn, tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh.