Kon Tum: Giá cà phê giảm, bà con lo lắng
Cùng với các loại cây dược liệu, cây cà phê được Kon Tum chọn làm cây trồng chủ lực để giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Cà phê cũng là sản phẩm tạo ra nguồn thu nhập chính cho bà con các huyện sinh sống trên địa bàn có lợi thế phát triển cà phê, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trồng cà phê chè tại các xã vùng Đông Trường Sơn. Thời điểm này, niên vụ cà phê 2019 - 2020 đã bắt đầu nhưng giá cà phê đang ở mức rất thấp khiến bà con lo lắng.
Hiện các doanh nghiệp và người dân đã bước vào vụ thu hoạch cà phê. Ở một số nơi, bà con đã chọn hái đợt quả chín bói. Tuy nhiên, giá cà phê trên thị trường trong những tuần gần đây liên tục giảm. Giá cà phê nhân xô dao động quanh mức 30,5 - 31 triệu đồng/tấn - mức giá thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Thông thường, vào đầu mùa vụ thu hoạch, giá cà phê ở ngưỡng cao hơn lúc chính vụ, khoảng từ 42 - 44 triệu đồng/tấn, có khi lên tới 46 - 47 triệu đồng/tấn. Năm ngoái, thời điểm này, giá cà phê cũng xuống thấp nhưng vẫn đạt 36 - 37 triệu đồng/tấn, không thấp như năm nay. Đáng lo ngại hơn cả là năm nay, các thương lái khá dè dặt trong việc thu mua dù giá cà phê ở mức chạm đáy. Điều này khiến những hộ trồng cà phê lo lắng vì không biết lúc thu hoạch có dễ bán không, tư thương có ép giá không…
Bên cạnh nỗi lo giá giảm, người trồng cà phê niên vụ này còn lo ngại về vấn đề thuê nhân công thu hoạch. Vụ cà phê trước, giá thuê nhân công bình quân là 90.000 đồng/tạ cà phê tươi, tính hết các khoản chi phí từ tiền công, ăn uống, mua bao bạt… cũng vào gần 20 triệu đồng/héc-ta. Năm nay, với giá bán cà phê như hiện nay mà giá nhân công vẫn như năm ngoái thì các chủ vườn cầm chắc thua lỗ.
Mặt khác, giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, thu hái, phơi phóng… Theo một số nông dân, nếu tình trạng giá cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài buộc họ sẽ phải chuyển hướng sang trồng các loại cây khác chứ không trồng cà phê.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 21.000 héc-ta cà phê. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách phát triển cây cà phê như: Chính sách phát triển cà phê chè vùng Đông Trường Sơn, chương trình tái canh cà phê, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của các địa phương… và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên, để giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp cần có ngay giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo bà con bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nản, bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần có định hướng quy hoạch phát triển vùng trồng cà phê cho phù hợp để tránh tình trạng mở rộng diện tích một cách ồ ạt, đến khi mất mùa, mất giá lại phá bỏ. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-gia-ca-phe-giam-ba-con-lo-lang-128246.html