Kon Tum: Giáo viên vùng khó bỏ tiền túi giữ chân học trò
Gia cảnh khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở, không có chế độ bán trú, nhiều học sinh nghỉ học. Để níu chân các em, thầy cô tự bỏ tiền túi nấu cơm cho học trò.
Giữ chân học trò nghèo
Tu Mơ Rông là một huyện vùng khó khăn của tỉnh Kon Tum. Đặc biệt tại khu vực các xã điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh không mấy mặn mà với cái chữ, khi cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai.
Bên cạnh đó, với các xã vùng cao huyện Tu Mơ Rông, đặc thù là địa hình rừng núi hiểm trở, khoảng cánh địa lý từ nhà đến trường xa. Để đến được trường học các em phải đi bộ, băng rừng lội suối dưới thời tiết khắc nghiệt. Với các thây cô đang đảm đương việc gieo chữ nơi đây, việc giữ chân học trò, duy trì sĩ số luôn là vấn đề nan giải.
Tại Trường tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), các thầy cô chung tay bỏ tiền túi lo bữa cơm buổi trưa để giữ chân học trò nghèo. Nhiều năm qua, ngày nào cũng vậy, khi trời vừa hửng sáng, các thầy cô mỗi người một việc chuẩn bị bữa sáng cho các em.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà chia sẻ, điểm trường thôn Ty Tu (xã Đăk Hà) là một trong 3 điểm trường khó khăn do Trường tiểu học xã Đăk Hà phụ trách. Cơ sở vật chất thiếu thốn. Hầu hết các em học sinh tại điểm trường này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cuộc sống cơm áo gạo tiền bủa vây, nhiều phụ huynh không mấy mặn mà với cái chữ. Chưa kể, địa hình rừng núi hiểm trở, để đến được trường các em học sinh phải đi bộ vài cây số, giữa thời tiết giá rét của vùng cao.
Theo cô Vân, tất cả 73 học sinh lớp 1 và lớp 2 ở điểm trường Ty Tu không có chế độ bán trú. Sau khi kết thúc thời gian học buổi sáng các em phải về nhà ăn cơm, chiều tiếp tục lên lớp.
Trong khi đó, hầu hết các phụ huynh nơi đây, cả ngày làm việc trên nương rẫy, không thể cơm nước, đưa đón các em được. Đây là một rào cản, khiến nhiều em học sinh không mấy mặn mà với cái chữ.
"Học sinh không thể nhịn đói buổi trưa để học xuyên chiều. Các em cũng không thể leo đồi hơn 4km về nhà ăn cơm rồi leo ngược 4km quay lại trường học tiếp. Trong khi đó, các em không nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn buổi trưa. Không muốn tương lai của các em thất học và những chuỗi ngày theo cha mẹ quần quật trên nương rẫy, các giáo viên bàn nhau góp tiền nuôi trò. Từ năm 2021 đến nay, các giáo viên trong trường đều đặn lo ăn sáng, trưa và bố trí chỗ nghỉ ngơi cho các em.
Không đành lòng nhìn các em ăn uống kham khổ, các giáo viên chia sẻ hình ảnh bữa cơm của các em lên mạng xã hội. Thời gian sau, biết được việc làm ý nghĩa của thầy cô, nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi tìm đến hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm. Từ đó, bữa ăn của các em mới đảm bảo dinh dưỡng hơn”, cô Vân nói.
Suốt 3 năm nay, giáo viên nhà trường đều tranh thủ thời gian rảnh để nấu cơm cho học sinh điểm trường thôn Ty Tu. Chẳng ai bảo ai, người nào có tiết trống thì vào sơ chế, nấu nướng. Khi cơm chín, thức ăn tươm tất, 2 thầy giáo sẽ nhận nhiệm vụ chở cơm, canh vào điểm trường chia cho trò.
Điểm trường không có chế độ bán trú nên không có nhà ăn, 3 lớp học được trưng dụng làm phòng ăn "dã chiến". Các em được xếp thành 2 hàng ngay ngắn. Khi cơm canh đã được dọn ra, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em vào chỗ, ngồi theo thứ tự. Bữa ăn bắt đầu bằng những cái khoanh tay mời cơm của lũ trẻ.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Em A Viên Ngọc (lớp 2A5) ở thôn Ty Tu (xã Đăk Hà) có mẹ mất vì căn bệnh ung thư năm 2021, gánh nặng dồn lên đôi vai người cha làm nông. Chật vật lo miếng cơm manh áo cho 4 người con nên cha A Viên Ngọc chẳng có thời gian đưa đón các con đến trường.
Quãng đường đến lớp của anh em A Viên Ngọc đều dựa vào đôi chân nhỏ bé. Thế nhưng, có những ngày mưa, chân mỏi, các anh, chị của Ngọc chẳng muốn đến trường. Từ ngày có bữa cơm bán trú, Ngọc và anh, chị của mình không còn vắng học, kể cả ngày mưa.
Bữa cơm kết thúc, các học sinh sẽ được giáo viên sắp xếp chỗ ngủ trưa. Khi học trò đã say giấc, 4 giáo viên chủ nhiệm lại cùng nhau rửa chén đũa rồi mới bắt đầu bữa cơm của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Y Đá cho biết: “Nhà tôi ở làng Kon Ling, xã Đăk Hà, sau khi lo cơm nước cho các em xong, tôi mới về nhà ăn cơm. 3 năm nay, ngày nào cũng vậy, bữa trưa cô lo cho trò, còn con cái nhờ bà ngoại và chồng chăm sóc. Tôi nghĩ đơn giản rằng, các em cũng như con cháu trong nhà nên hết lòng yêu thương. Lũ trẻ học tốt thì dù khó khăn như thế nào, tôi cũng vui và hạnh phúc".
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Thời gian qua, mô hình nấu ăn để giữ chân học trò của thầy cô Trường tiểu học Đăk Hà đã giúp học sinh đi học đầy đủ hơn, chế độ dinh dưỡng đảm bảo hơn. Các em ở nhà ăn uống bữa đực bữa cái, có em ăn cơm với cá khô, không đảm bảo dinh dưỡng. Khi đến trường, các em được thầy cô chăm lo bữa ăn tốt hơn. Ngoài Trường tiểu học Đăk Hà, một số trường khác trên địa bàn huyện cũng đang triển khai hiệu quả mô hình này. Từ đó, sĩ số học sinh được giữ vững, chất lượng học tập được nâng cao".