Kon Tum hỗ trợ nhà đầu tư triển khai hiệu quả các dự án

Trong năm 2019, để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư, tỉnh Kon Tum đã có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Tỉnh Kon Tum luôn đồng hành, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi.

Tỉnh Kon Tum luôn đồng hành, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi.

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 349 dự án được cấp phép đầu tư. Trong tổng số 321 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 58.681 tỷ đồng, có 187 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với tổng vốn 35.170 tỷ đồng; 112 dự án nông lâm nghiệp với tổng vốn 21.550 tỷ đồng, 22 dự án thương mại - dịch vụ với tổng vốn 1.961 tỷ đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số dự án đăng ký đã hoàn thành thủ tục và đưa vào khởi công xây dựng tăng nhiều. Đến nay, toàn tỉnh đã có 196 dự án đã hoàn thành và đưa vào kinh doanh với tổng vốn đầu tư 19.518 tỷ đồng; 60 dự án đầu tư đang triển khai xây dựng với tổng vốn 31.850 tỷ đồng; 65 dự án chưa triển khai thi công với tổng vốn 7.313 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Thế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cho biết, để đạt được những kết quả nói trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện những giải pháp một cách quyết liệt và đồng bộ, nhằm kịp thời và tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo đó, việc tiến hành đánh giá tiềm năng và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh kết hợp với công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, thực hiện cơ chế “liên thông một cửa”; ban hành nhiều chính sách về thuê đất, tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… đã góp phần giúp Kon Tum thu hút được nhiều dự án đầu tư mới.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác thu hút đầu tư của tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn tại những hạn chế đáng kể. Điển hình như chất lượng một số dự án đầu tư vào tỉnh chưa cao, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại trong các dự án còn hạn chế... Nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ ghi trong giấy phép đầu tư và hồ sơ dự án.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như nền kinh tế thế giới biến động khó lường, cơ chế pháp luật thay đổi; khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; một số dự án triển khai ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như các nhà đầu tư không chủ động thực hiện và báo cáo đến cơ quan quyết định đầu tư (UBND tỉnh), cơ quan đầu mối (Sở Kế hoạch và Đầu tư) và địa phương (UBND các huyện/thành phố) về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định. Năng lực tài chính, trình độ quản lý của một số nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn đến không đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư, hiệu quả quản lý dự án thấp.

Một vướng mắc khác là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án triển khai chậm dẫn đến việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất để triển khai thực hiện dự án chậm hơn so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Phan Văn Thế, để khắc phục những hạn chế trên, cũng như thúc đẩy tiến độ thực hiện của các dự án đã đăng ký, Sở đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức giám sát đánh giá đầu tư các dự án; tiến hành phân loại, đề xuất xử lý các dự án đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, cụ thể là chấm dứt hoạt động đối với các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện. Tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư các dự án đối với nhà đầu tư có tâm huyết, mong muốn tiếp tục đầu tư.

Đối với các dự án đang thi công, chưa thi công, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án theo tiến độ quy định. Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có những chỉ đạo các địa phương, các ngành, các cấp quan tâm giải quyết và tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, với tình hình tăng trưởng khó khăn của kinh tế thế giới, cũng như sự biến động của giá cả vật tư theo chiều hướng tăng ở trong nước, đối với các dự án gặp khó khăn về vốn vay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có những chính sách ưu tiên về tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay vốn cho các nhà đầu tư có nhu cầu.

“Trong nhiều giải pháp cải thiện tình hình chậm triển khai các dự án, tỉnh Kon Tum chú trọng nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư; rà soát lại quy trình, thủ tục về đầu tư; tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến doanh nghiệp để sửa những khâu không còn phù hợp; rà soát từng dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Phan Văn Thế cho biết.

Ngọc Tân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kon-tum-ho-tro-nha-dau-tu-trien-khai-hieu-qua-cac-du-an-d112808.html