Kon Tum: Hơn 5.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững
Sáng 3/5, tại Hội trường Ngọc Linh, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động 'Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững'.
Hơn 3 năm triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thật sự đi vào cuộc sống, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia.
Gần 75% số hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục lạc hậu, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; hơn 62% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình; có 54,4% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố. Đến cuối năm 2023, có hơn 5.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và gần 2.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát cận nghèo (vượt chỉ tiêu đề ra)... Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến Cuộc vận động được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt là các mô hình giúp nhau làm kinh tế được chú trọng, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 866 mô hình hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật...; thu hút 23.636 lượt người tham gia (trong đó có 6.737 lượt hộ nghèo, 3.858 lượt hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số); các mô hình trên đã huy động được trên 96 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu; biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; có đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Phân công cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để vươn lên thoát nghèo bền vững với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", ra tận nương, rẫy, vườn của đồng bào dân tộc thiểu số, "mưa dầm thấm lâu", "cầm tay chỉ việc"… nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và địa bàn dân cư nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội trong quá trình triển khai Cuộc vận động và các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát động. Vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gắn với cải tạo vườn tạp.
Tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và chủ động tìm kiếm, kết nối với các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ nông sản. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động giữa các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, kết nghĩa giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã tặng Bằng khen cho 36 tập thể và 53 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động