Kon Tum hứng 6 trận động đất liên tiếp, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Sau trận động đất mạnh 4,7 độ, Kon Tum tiếp tục hứng chịu 5 dư chấn khác. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị làm rõ nguyên nhân động đất, mức độ nguy hiểm và đề xuất giải pháp phù hợp.
Chiều 23/8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký công điện gửi UBND tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc ứng phó với động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Trước đó, 6 trận động đất và dư chấn xảy ra liên tiếp tại địa phương chiều 28/3 với độ lớn dao động 2,5-4,7 độ, gây rung lắc mạnh. Nhiều người dân trong khu vực bày tỏ lo lắng về hiện tượng này.
Yêu cầu làm rõ nguyên nhân động đất
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để có hướng chỉ đạo, ứng phó phù hợp.
UBND tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cần tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân cùng cơ sở hạ tầng thiết yếu như hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục.
Địa phương cũng được yêu cầu huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu thông tin về động đất, dư chấn và thiệt hại nếu có cần được cập nhật kịp thời đến người dân, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên tuyến giao thông chính, chủ động triển khai biện pháp để bảo đảm an toàn.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp.
Tại công văn này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án, sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được giao chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp, tránh gây hoang mang cho người dân dân.
Các đơn vị cần sẵn sàng công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề vượt thẩm quyền.
6 trận động đất và dư chấn liên tiếp
Theo Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Việt Vật lý địa cầu), trận động đất mạnh 4,7 độ xảy ra lúc 14h08 chiều 23/8 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km.
Đây là trận động đất mạnh chưa từng có được ghi nhận tại khu vực. Ngay cả những người dân sinh sống tại TP Kon Tum, các huyện lân cận cùng một số địa phương của tỉnh Quảng Nam cũng cảm nhận được rung lắc.
Trong 3 giờ tiếp theo, khu vực này tiếp tục ghi nhận 5 trận động đất khác được cho là dư chấn của trận trên với độ lớn dao động 2,5-3,7 độ. Đây là lần thứ hai trong năm nay huyện Kon Plông hứng chịu những trận động đất liên tiếp và dư chấn kéo dài.
Trước đó chỉ trong 3 tuần kể từ 15/4 đến ngày 6/5, người dân huyện Kon Plông đã phải hứng chịu khoảng 44 trận động đất và dư chấn với độ lớn 2,5-4,5 độ.
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, thông tin bước đầu, động đất ở khu vực huyện Kon Plông được xác định là động đất kích thích gây ra do việc tích nước của hồ chứa.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Vật lý địa cầu nêu rõ để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và cường độ của động đất trong tương lai, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.