Kon Tum: Mô hình 'Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới'
Xây dựng nông thôn mới với cách làm phù hợp là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như góp phần bảo tồn bản sắc riêng cho từng vùng, miền. 'Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới' do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động là một mô hình mang đặc trưng riêng của tỉnh Kon Tum. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa mà Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã phát động và thực hiện nhằm hưởng ứng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cùng nhau giữ gìn, vệ sinh môi trường sống
Trung tuần tháng 11, tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Đảng ủy xã Măng Cành tổ chức lễ ra mắt mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” với sự tham gia của 115 thành viên là hội viên phụ nữ thôn. Mô hình hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và phát huy năng lực, vai trò trách nhiệm của Hội LHPN huyện, xã, chi hội và hội viên phụ nữ thôn Kon Chênh trong tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, hướng dẫn, vận động 100% hội viên phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM, góp phần xây dựng xã Măng Cành đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình. Ngay sau buổi lễ, các đại biểu, hội viên phụ nữ và bà con nhân dân thôn Kon Chênh đã tổ chức trồng 300 cây anh đào và dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên các tuyến đường trong thôn.
Trước đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ngọc Hồi phối hợp với Đảng ủy xã Đắk Xú cũng tổ chức lễ ra mắt mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 tại thôn Kei Joi, xã Đắk Xú. Mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” thôn Kei Joi có 120 thành viên là hội viên phụ nữ thôn. Nội dung hoạt động tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho các tầng lớp phụ nữ tại địa phương. Qua đó, giúp chị em cán bộ, hội viên, phụ nữ được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản; góp phần bênh vực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, mô hình cũng chú trọng tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vay vốn; tham gia tổ hợp tác, tổ tiết kiệm sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế bền vững. Vận động hội viên, phụ nữ mua bảo hiểm y tế, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, dột nát được sửa chữa nhà hoặc xây dựng nhà mới. Biểu dương và nhân rộng các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi gắn với phát triển bền vững, phụ nữ tự tạo việc làm tại địa phương... Đặc biệt, thông qua mô hình này, Hội LHPN huyện Ngọc Hồi đã phát động ngày hội “Phụ nữ Ngọc Hồi hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp”; hưởng ứng sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, vận động thành viên trong gia đình thực hiện tốt cuộc vận động “ 5 không, 3 sạch”. Qua đó, góp phần giữ gìn, vệ sinh môi trường sống và bảo vệ môi trường xanh.
Xây dựng thôn, làng xanh - sạch - đẹp
Sau hơn 1 năm thành lập điểm mô hình “Làng phụ nữ Nông thôn mới”, bộ mặt thôn làng Vi Ô Lăk ở xã Pờ Ê, huyện Kon Plông đã có những khởi sắc đáng kể. Các chị em hội viên phụ nữ đã thay đổi ý thức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chăm lo cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng thôn làng đạt chuẩn NTM theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Mặc dù là thôn làng vùng sâu, vùng xa với 100% là người dân tộc H’re nhưng chị em phụ nữ tại đây rất có ý thức trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các cấp Hội Phụ nữ phát động,…
Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình “Làng phụ nữ Nông thôn mới”, thôn Vi Ô Lăk không chỉ thay đổi nhờ sự đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước, mà còn có sự chung tay của bà con nhân dân trong bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh. Giờ đây, những con đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, dọc tuyến đường nội thôn rợp bóng cây xanh. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, chị em phụ nữ trong chi hội đều chia tổ để dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tự dọn dẹp vệ sinh tại hộ gia đình…. trên nguyên tắc tình nguyện, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng duy trì thực hiện về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (5 không là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Không chỉ tự giác thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, toàn thôn Vi Ô Lăk hiện nay không có gia đình sinh con thứ 3, không trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng hay bạo lực gia đình…
Mô hình “Làng phụ nữ NTM” được Hội LHPN huyện Kon Plông thống nhất và lựa chọn chi hội phụ nữ thôn Vi Ô Lăk để triển khai thực hiện điểm, 72 hội viên phụ nữ toàn thôn đều đăng ký tham gia, gắn với 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: hộ nghèo, môi trường, nhà ở,… Đây là mô hình có ý nghĩa đối với các cấp Hội phụ nữ trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, góp phần xây dựng NTM của huyện. Nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên phụ nữ về vai trò, trách nhiệm nhằm chung sức chung lòng tham gia phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Xây dựng “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” của chi hội thôn Đắk Lung, xã Kon Đào cũng là mô hình điểm của huyện Đắk Tô. Mô hình nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng NTM. Cũng giống như thôn Vi Ô Lăk, hiện nay, khắp các đường làng, ngõ xóm của thôn Đắk Lung được phủ một màu xanh của cây cỏ, trẻ em vui vẻ nô đùa trên những con đường xanh, sạch, đẹp…
Mặc dù mỗi thôn, làng có những tiêu chí khác nhau trong triển khai xây dựng mô hình "Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới" nhưng mục tiêu chung của mô hình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát huy năng lực, vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và Hội viên phụ nữ trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM.