Kon Tum nan giải khống chế dịch bệnh tụ huyết trùng do trâu, bò thả rông trong rừng
Hơn 1 tháng qua tại 3 xã biên giới Đăk Plô, Đăk Nhoong và Đăk Long (huyện Đăk Glei, Kon Tum) xảy ra tình trạng trâu, bò mắc bệnh và riêng số trâu, bò bị chết đã lên tới trên 200 con.
Trước thiệt hại về kinh tế của người dân và nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngành nông nghiệp huyện Đăk Glei triển khai các biện pháp chữa trị, phòng dịch cho đàn trâu, bò ở các xã này, song việc khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do tập quán thả rông gia súc trong rừng của người dân.
Mấy ngày nay ông A Tỉnh, làng Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei đứng ngồi không yên vì lo lắng cho đàn trâu của gia đình. Sau khi phát hiện một con trâu to nhất đàn bị bệnh chết trong rừng vào ngày 1/6, ông A Tỉnh vội tìm cách lùa 5 con còn lại về gần nhà để chữa trị.
Thế nhưng, do trâu thả rông trong rừng lâu ngày không quen người, ông Tỉnh chỉ khống chế được 3 con đưa về nuôi nhốt trong vườn. 2 con còn lại 1 thì chạy rông ở vạt rừng cạnh nhà, 1 còn ở trong rừng sâu không biết vị trí chính xác. Theo lời ông A Tỉnh thì ở làng Bung Kon, lo ngại dịch bệnh khiến trâu, bò bị chết, đã có hộ dân bán tháo trâu cho thương lái.
“Bà con sợ bị lây lan nên tập trung dắt về bán lấy tiền. Sợ lỗ vốn nên bán lấy tiền. Còn bao nhiêu tiện thú y vào đây chăm sóc”, ông Tỉnh nói.
Theo chính quyền xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, dịch bệnh trên đàn trâu, bò bắt đầu xuất hiện từ ngày 11/5 và đến nay đã có 83 con bị chết. Điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên là trên đàn trâu, bò thả rông trong rừng của các hộ dân làng Pêng Lang, sau đó lan sang 3 làng còn lại của xã, gồm: Đăk Book, Bung Kon và Bung Tôn.
Ông A Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô cho biết, sau khi Phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra, nhận định nguyên nhân tình trạng trâu, bò chết nghi do bệnh tụ huyết trùng, chính quyền xã đã thực hiện các biện pháp phòng dịch, chữa trị cho số trâu, bò bị bệnh nhưng hiệu quả không cao. Hiện, số trâu, bò chết hằng ngày tuy đã giảm, song vẫn tiếp tục xảy ra và chưa kiểm soát được nguồn lây dịch bệnh.
“Khó khăn nhất là người dân thả trâu bò trên rừng. Bắt giữ để cán bộ thú y điều trị rất là khó khăn. Có con là bắt không được chạy vô rừng tìm rất là khó. Thứ hai là cán bộ thú y chỉ còn mỗi một đồng chí. Một đồng chí thú y viên chạy cả ngày cả đêm”, ông Hà cho hay.
Cùng với xã biên giới Đăk Plô, trước đó tại 2 xã biên giới khác của huyện Đăk Glei, gồm Đăk Long và Đăk Nhoong cũng đã ghi nhận tình trạng trâu, bò mắc bệnh và bị chết do không được chữa trị kịp thời. Riêng tại xã Đăk Nhoong, dịch bệnh xuất hiện từ cuối tháng 4 và tính đến nay đã có 118 con trâu, bò bị chết.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Glei cho thấy, chỉ tính đến ngày 1/6, tại 3 xã biên giới của huyện, gồm: Đăk Plô, Đăk Nhoong và Đăk Long đã có gần 600 con trâu, bò mắc bệnh. Số trâu, bò bị chết phải tiêu hủy tại 2 xã Đăk Plô và Đăk Nhoong tính đến ngày 3/6 là 201 con.
Bà Đinh Thị Y Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Glei cho biết, nguyên nhân khiến trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng cấp tính. Dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài, số lượng trâu, bò bị chết lớn do tập quán thả rông gia súc và những khó khăn gặp phải trong quá trình kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
“Các xã biên giới hầu như người dân toàn người dân tộc thiểu số. Chăn dắt khu vực tập trung nhưng mà là tập trung trong rừng. Người dân ít chăn nuôi tập trung tại nhà cho nên việc phát hiện kịp thời để điều trị là rất khó khăn. Ngoài ra, khi phát hiện trên rừng không biết khoanh vùng nào là vùng đệm, vùng nào là vùng lõi để xác định được vị trí cho nên là công tác tiêm phòng, công tác chữa trị cũng rất là hạn chế”, bà Y Ngọc nói.
Tính đến nay, dịch bệnh trên đàn trâu, bò ở 3 xã biên giới của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã kéo dài hơn 1 tháng, song ngành nông nghiệp địa phương vẫn chưa thể kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh. Số trâu bò chết hàng ngày tuy đã giảm song vẫn tiếp tục xảy ra. Tại 2 xã trọng điểm dịch bệnh là Đăk Plô và Đăk Nhoong đến nay cũng mới chỉ có khoảng 54% tổng đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng./.