Kon Tum: Nhiều tuyến đường tại huyện Đăk Glei bị sạt lở, xuống cấp
Theo ghi nhận của Báo Giáo dục và Thời đại, trên tuyến đường ĐH 83 từ thị trấn Đăk Glei đi xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) xuất hiện nhiều điểm sạt lở phía taluy âm.
Do ảnh hưởng của thời tiết và không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Đăk Glei bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của người dân.
Theo ghi nhận của Báo Giáo dục và Thời đại, trên tuyến đường ĐH 83 từ thị trấn Đăk Glei đi xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) xuất hiện nhiều điểm sạt lở phía taluy âm. Đây là tuyến đường huyết mạch bảo đảm an ninh quốc phòng, thông thương đi lại của người dân hai xã Đăk Nhoong và xã Đăk Plô với trung tâm thị trấn huyện Đăk Glei.
Vì thế, lưu lượng phương tiện đi lại trung chuyển hàng hóa, nông sản của bà con trong vùng là rất lớn. Mặc dù đã được sửa chữa, tuy nhiên lượng xe cộ lưu thông qua lại nhiều, cùng với thời tiết khắc nghiệt gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, gây úng ngập phá vỡ kết cấu nền mặt đường, dẫn đến xuất hiện nhiều “ổ gà” lớn nhỏ dọc trên tuyến tại những vị trí có độ dốc dọc nhỏ thoát nước kém.
Tương tự, trên tuyến đường ĐH 81 từ xã Đăk Man đi xã Đăk Plô có hàng trăm “ổ voi, ổ gà”. Một số đoạn đường có hố nước sâu hoắm, kéo dài vài mét khiến người dân đi lại khó khăn.
Đặc biệt vào mùa mưa bão thường xảy ra sạt lở taluy, nền mặt đường, cống bị cuốn gây tắc nghẽn giao thông dài ngày ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Để tránh bị té ngã, một số phương tiện phải di chuyển men theo mép nước.
Ông A Cu (thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong) cho biết, tuyến đường ĐH 81 đã hư hỏng từ nhiều năm nay. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và việc đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh trên đường đến trường.
Theo ông A Cu, vào những ngày mưa lũ, trên đường xuất hiện nhiều hố nước sâu. Vô tình trở thành cái bẫy khiến học sinh dễ dàng té ngã khi di chuyển qua khu vực này. Theo đó, đã có một số trường hợp học sinh bị trượt té, bẩn quần áo khi đến trường.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Glei, cho biết, việc các tuyến đường trên địa bàn huyện bị hư hỏng, xuống cấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi người dân di chuyển qua lại.
Theo ông Tứ, đặc biệt vào mùa mưa, một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở taluy âm, taluy dương. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên địa phương chỉ xử lý tạm thời và lắp biển cảnh báo.
Chính vì vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, huyện mong muốn các cấp thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường. Qua đó, giúp bà con ổn định cuộc sống và yên tâm đi lại khi mùa mưa bão cận kề.
Theo thống kê của UBND huyện Đăk Glei, trên địa bàn huyện có 7 tuyến đường gồm, 1 tuyến Quốc lộ 14, 1 tỉnh lộ 673 và 5 tuyến đường cấp huyện, gồm: ĐH 81, ĐH 82, ĐH 83, ĐH 84, ĐH 85. Riêng Quốc lộ 14 và tuyến đường ĐH 84 vừa được đầu tư nâng cấp thì đa số các tuyến đường còn lại đều đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Theo UBND huyện, nguyên nhân là do các tuyến đường đã được đầu tư từ lâu. Đồng thời, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên mỗi khi mưa, lũ đến làm sạt lở, phá vỡ kết cấu nền và mặt đường.
Từ đó, khiến việc di chuyển và vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong mùa mưa sắp tới các xã Đăk Nhoong, Đăk Plô, Mường Hoong, Ngọc Linh… đang đứng trước nguy cơ xảy ra tắc đường và khu dân cư bị chia cắt, cô lập.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tổng cộng 64 chiếc cầu treo. Tuy nhiên sau các trận mưa bão có đến 40 chiếc cầu treo bị hư hỏng.
Dung Nguyễn