Kon Tum: Những sắc màu thổ cẩm và làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri thơ mộng
Chiều ngày 06/2, tại xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum), đã diễn ra lễ khai mạc sắc màu thổ cẩm và ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Jow Dri. Đây là hoạt động, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum và thành phố Kon Tum lên đô thị loại II.
Tham dự buổi lễ, có lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo thành phố Kon Tum, cùng các cán bộ công, viên chức trong địa bàn. Đặc biệt là sự góp mặt của các Đoàn nghệ nhân và bà con nhân dân.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện lãnh đạo thành phố Kon Tum nhấn mạnh: Trong khí thế hân hoan, phấn khởi chào mừng 110 năm mùa xuân Kon Tum, hôm nay, thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ II và Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa.
Thời gian qua, UBND thành phố Kon Tum đã chủ động, tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, cố gắng, nỗ lực trong công tác phối hợp rà soát, đầu tư, sửa chữa, hình thành và đề xuất công nhận làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri. Ngày 06/01/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Để phát triển du lịch cộng đồng, thì việc duy trì các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng. Trong kho tàng văn hóa dân gian truyền thống, dệt thổ cẩm là nghề thủ công lâu đời của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Dệt thổ cẩm làm nên nét đẹp của trang phục truyền thống và ghi dấu bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi một tộc người. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm như là một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm; những nữ nghệ nhân đã truyền hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, từng đường dệt, màu sắc, thổi vào đó cái hồn mang yếu tố tâm linh, huyền bí và cả ước muốn, sức sống của cộng đồng.
Ông Đào Văn Hậu-Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 05 Làng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó Làng Kon Jơ Dri là một trong những làng có lợi thế riêng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vị trí giao Làng khá thuận tiện, đặc biệt là lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.
Làng Kon Jơ Dri là một trong những Làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Ba Na nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng; cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, không gian kết nối với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa. Không ít khách du lịch phương Tây chọn hình thức “du lịch homestay” để được thăm quan trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc Ba Na ở làng Kon Jơ Dri.
Nổi bật nhất trong làng du lịch cộng đồng là Nhà rông và nước giọt Kon Jơ Dri. Khi du khách đến vào buổi chiều, nghỉ đêm ở làng, để sáng dậy chứng kiến khung cảnh thơ mộng, yên bình. Các lễ hội, giao lưu văn hóa văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng…. Cũng được tổ chức ở nơi đây. Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đa dạng trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao cuộc sống, đồng bào Ba Na làng Kon Jơ Dri vẫn luôn quan tâm đến việc khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, còn có điểm nhấn hấp dẫn khác với du khách là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na, hiện nay trên địa bàn làng Kon Jơ Dri có khoảng 20% ngôi nhà sàn mang kiến trúc truyền thống của người Ba Na là những điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
UBND xã đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn cấp, các đoàn thể cùng cấp trên tổ chức và tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: Mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, múa xoang; lớp chế biến rượu ghè; lớp chế biến món ăn, ,…Đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình giao thông trong làng, công trình công cộng như: giếng khoan 120m, xây nhà vệ sinh mới, đào kênh mương, đắp nền sân lễ hội, rãnh thoát nước tại nhà Rông, cải tạo giọt nước, trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan trong làng. Người dân làng Kon Jơ Dri đã từng bước tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan du lịch, duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật; luôn có thái độ cởi mở, thân thiện với du khách. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Bên cạnh đó, để làng du lịch cộng đồng phát huy hết hiệu quả vốn có, UBND xã và thành phố Kon Tum đã đề ra những giải pháp thiết thực để trả lời cho 4 câu hỏi “Ăn gì? Chơi gì? Ở đâu? Và mua cái gì?”.
Tin rằng, với những bước đi hiệu quả, thiết thực, nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Kon Tum nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng sẽ phát triển rực rỡ với bản sắc bản địa vốn có. Cùng với đó, làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri sẽ là điểm đến lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến thăm và trải nghiệm.