Kon Tum: Tăng cường quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, từ năm 2023 đến nay, các ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, đã nhắc nhở các đơn vị và xử phạt 7 trường hợp khai thác trái phép.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum công bố, trên toàn tỉnh hiện có 75 mỏ khoáng sản (đá, cát, đất san lấp, đất sét làm gạch) được cấp phép còn trong thời hạn khai thác theo thẩm quyền của UBND tỉnh cấp.

 Hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Kon Tum được quản lý và giao trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Kon Tum được quản lý và giao trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.

Trong đó, số lượng mỏ đá tập trung tại một số địa phương: Huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Rẫy và TP Kon Tum; mỏ cát xây dựng được cấp phép nhiều tại TP Kon Tum, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei. Riêng về 5 mỏ đất sét được cấp tập trung tại TP Kon Tum.

Với số lượng mỏ khoáng sản lớn, nằm phân tán ở nhiều địa phương do vậy việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác mỏ theo quy định của pháp luật luôn được các ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum chú trọng quan tâm.

Trọng tâm của công tác này, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đây được xem là cách làm hiệu quả để từng bước đưa hoạt động quản lý khoáng sản tại các địa phương đi vào nền nếp, hạn chế thất thoát tài nguyên.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm.

 Công tác quy hoạch, đưa vào hoạt động khai thác khoáng sản đảm bảo cho các hoạt động xây dựng dân dụng, thi công công trình giao thông tại địa phương.

Công tác quy hoạch, đưa vào hoạt động khai thác khoáng sản đảm bảo cho các hoạt động xây dựng dân dụng, thi công công trình giao thông tại địa phương.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản bao gồm: Không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế, khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo trên, thời gian gần đây tại một số địa phương TP Kon Tum, huyện Kon Rẫy đã tập trung công tác chỉ đạo, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tài nguyên khoáng sản và khai thác trái phép.

 Một số mỏ khoáng sản tại Kon Tum vẫn còn sử dụng thiết bị trạm cân, camera giám sát làm hình thức không đúng quy định trong quá trình vận hành khai thác, kinh doanh khoáng sản.

Một số mỏ khoáng sản tại Kon Tum vẫn còn sử dụng thiết bị trạm cân, camera giám sát làm hình thức không đúng quy định trong quá trình vận hành khai thác, kinh doanh khoáng sản.

Tại huyện Kon Rẫy hiện có 21 mỏ khoáng sản được cấp phép, khai thác với 11 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 mỏ đá… Trong 3 năm qua, huyện đã được cấp phép 7 mỏ khoáng sản thông qua hình thức đấu giá tập trung. Riêng năm 2024 địa phương đã đề xuất UBND tỉnh đưa 5 vị trí mỏ vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Với hành động và giải pháp cụ thể trong hoạt động quản lý tài nguyên, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Rẫy đã tổ chức khoảng 500 đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Qua đó đã phát hiện 4 vụ việc ở mức độ phục vụ nhu cầu cá nhân tại chỗ, không mua bán, tuy nhiên UBND các xã cũng đã tuyên truyền, lập biên bản xử phạt hành chính.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy: Cùng với việc thường xuyên phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp kiểm tra, kiểm kê hoạt động khai thác thông qua các thiết bị giám sát từ xa. Huyện cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành các quy định của pháp luật; kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tạo công việc làm thường xuyên cho người dân tại chỗ, hỗ trợ an sinh tại địa phương.

 Lực lượng chức năng TP. Kon Tum phát hiện, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên sông.

Lực lượng chức năng TP. Kon Tum phát hiện, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên sông.

Tại TP Kon Tum hiện có 21 mỏ khoáng sản gồm 10 mỏ cát, 5 mỏ đất sét, 6 mỏ đất san lấp và đá xây dựng. Trong đó, riêng mỏ cát làm vật liệu xây dựng có 8 mỏ đang cận hạn khai thác, trong năm 2025 có 4/8 mỏ cát sẽ hết phép khai thác theo giấy phép được cấp. Đây là các mỏ có nhiều nguy cơ khai thác khoáng sản ngoài tọa độ, khai thác vượt trữ lượng được cấp hoặc không chấp hành các quy định giám sát trong hoạt động khai thác tại mỏ vật liệu.

Do đó, hoạt động giám sát, kiểm tra các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn luôn được triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới góp phần xử lý hiệu quả các vụ việc khai thác trái phép xảy ra tại địa bàn quản lý.

Đầu tháng 8 vừa qua, sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum đột xuất kiểm tra tại khu vực hạ lưu đập Đăk Tía (thuộc tổ 5, phường Nguyễn Trãi) thì phát hiện nhóm người đang có hoạt động dưới lòng sông, nghi ngờ đang khai thác cát trái phép.

Qua điều tra bước đầu, nhóm người vận hành thiết bị dưới sông khai nhận đang làm việc cho một doanh nghiệp tại TP Kon Tum. Tuy nhiên không ai chứng minh được các giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác nêu trên.

Sau khi tiếp nhận, bàn giao UBND phường Nguyễn Trãi đã lập biên bản vi phạm và tịch thu giữ tang vật vi phạm gồm một đầu bơm, hút cát và khoảng hơn 3 m3 cát để xử lý theo quy định.

UBND TP Kon Tum đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng Kon Tum với số tiền 50 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp khai thác trái phép phải cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

 Huyện Kon Rẫy với trên 20 mỏ vật liệu xây dựng hoạt động góp phần tạo việc làm và nguồn thu ngân sách tại địa phương.

Huyện Kon Rẫy với trên 20 mỏ vật liệu xây dựng hoạt động góp phần tạo việc làm và nguồn thu ngân sách tại địa phương.

Nhận định chung về hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp và việc kiểm tra, giám sát của các địa phương trong tỉnh thời gian qua, ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của địa phương trong toàn tỉnh cho thấy phần lớn các doanh nghiệp khai thác mỏ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động.

Cùng với việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn toàn tỉnh, tỉnh Kon Tum đảm bảo công tác quy hoạch, đấu giá, khai thác khoáng sản cung ứng nhu cầu trong tỉnh và các công trình xây dựng, thi công hạ tầng giao thông tại địa phương.

Nguyễn Giác

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kon-tum-tang-cuong-quan-ly-khoang-san-cat-soi-long-song-post313931.html