Kon Tum xảy ra 3 trận động đất trong vòng một tiếng
Chỉ trong sáng 31/3, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận 4 trận động đất liên tiếp xảy ra tại vùng núi Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó có 3 trận trong vòng 1 tiếng.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, chỉ trong khoảng một giờ từ 4h8' đến 4h46'48'' tại huyện Kon Plông xảy ra 3 trận động đất liên tiếp.
Liên tục xảy ra động đất

Bản đồ vị trí xảy ra động đất tại vùng núi Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, trận động đất đầu tiên trong ngày 31/3 xảy ra lúc 4h08'42''. Trận động đất này có độ lớn 3,1 độ richter, tại tại vị trí có tọa độ (14.847 độ vĩ Bắc, 108.282 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Khoảng 2 phút sau, lúc 4h10'05'', trận động đất có độ lớn 3,0 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.849 độ vĩ Bắc, 108.262 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Tiếp đó, trận động đất thứ ba được ghi nhận lúc 4h46'48'' với độ lớn 2,6 độ richter. Độ sâu chấn tiêu của cả ba trận động đất này đều khoảng 8,1km.
Trận động đất thứ tư xảy ra 9h 28'52'' giây trận động đất thứ 4 có độ lớn 2,9 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.989 độ vĩ Bắc, 108.189 độ kinh Đông).
Tất cả bốn trận động đất trên được ghi nhận ở vùng núi, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về các trận động đất tại khu vực này.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, tức không gây thiệt hại đáng kể.

Thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng nằm cách trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 50km - nơi xảy ra trận động đất 5 độ richter hôm 28/7/2024. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên.
Những trận động đất ở cao đã gây rung chuyển vùng đất Kon Plông và gây ra một số hư hỏng thiệt hại cho nhà người dân. Ở các tòa nhà cao tầng lân cận Kon Tum như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Pleiku (Gia Lai) cũng đã gây rung chuyển.
Theo ông Xuân Anh, nguyên nhân của các trận động đất này được xác định là "động đất kích thích" do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy bên dưới. Dự báo, động đất ở khu vực này vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter.
Từ 2021 đến nay, Kon Plông là nơi xảy ra nhiều trận động bậc nhất đất tại Việt Nam.
Chủ động kiên cố công trình ứng phó động đất
Trước tình hình động đất liên tục xảy ra, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu ngành chức năng, huyện Kon Plông phải theo dõi, thông tin kịp thời về động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để đảm bảo tính mạng và ổn định tâm lý cho người dân cũng như sự an toàn công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông. Đồng thời, kiểm tra công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, căn cứ tình hình thực tế nghiên cứu giảm tích nước hồ chứa thủy điện theo quy định để an toàn hồ đập...
Tỉnh Kon Tum triển khai phương châm "4 tại chỗ" trong ứng phó thảm họa khi xảy ra động đất, cụ thể: chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao thông bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất.
Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, Kon Tum cho biết, từ những năm 2021, động đất liên tục xuất hiện. Về lâu dài, huyện sẽ chủ động các phương án ứng phó với động đất.
Theo ông Khánh, đối với các trụ sở cơ quan nhà nước, khi xây dựng đã tính toán kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn trước cường độ động đất không quá lớn. Nhà dân, huyện sẽ định hướng xây dựng tuân thủ "3 cứng" là mái cứng, tường cứng và nền cứng, để đảm bảo cho bà con an toàn trong mùa mưa bão và các rung chấn do động đất.