Kông Chro 'chuyển mình' cùng đất nước
Nhắc đến Kông Chro, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến huyện nghèo duy nhất của tỉnh Gia Lai. Thế nhưng, trên hành trình 'cất cánh' cùng đất nước, mảnh đất này cũng đã có những bước chuyển mình đáng tự hào.
Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết một lòng, chung tay tạo nên nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Trước thềm xuân mới, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phan Văn Trung xung quanh nội dung này.
*P.V: Năm 2024, huyện Kông Chro đạt và vượt 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Đồng chí có thể khái quát về những kết quả nổi bật mà địa phương vừa đạt được?
- Bí thư Huyện ủy PHAN VĂN TRUNG: Năm 2024 quả thật có nhiều khó khăn và thách thức. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội các tổ chức cơ sở Đảng, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Với quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển mới.
Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 6.770,64 tỷ đồng, tăng 10,45% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với tỷ trọng nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 40,06%, công nghiệp-xây dựng chiếm 37,31% và dịch vụ chiếm 22,63%.
Trong năm, toàn huyện gieo trồng trên 43.465 ha cây trồng các loại, tăng 0,4% so với năm 2023. Đáng chú ý, huyện có 4.170,4 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; chuyển đổi gần 753 ha sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Chăn nuôi phát triển ổn định với tổng đàn gia súc 72.564 con, vượt 1,7% chỉ tiêu nghị quyết. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng luôn được quan tâm chỉ đạo song song với chăm sóc rừng trồng. Năm nay, huyện trồng được 1.124 ha rừng, vượt 87,3% chỉ tiêu nghị quyết.
Huyện cũng chú trọng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hiện nay, bình quân mỗi xã đạt gần 13,08 tiêu chí nông thôn mới.
Huyện đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024; các chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 3.643 hộ nghèo (chiếm 27,85%) và 1.782 hộ cận nghèo (chiếm 13,62%).
Cùng với đó, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 10,21%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 4,9%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 2,28% so với năm 2023. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 43,21 tỷ đồng, vượt 74,24% so với nghị quyết.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Đến nay, huyện có 16/32 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; giao quân năm 2024 đạt 100% chỉ tiêu.
Song song với đó, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức. Năm 2024, Đảng bộ huyện kết nạp được 107 đảng viên mới, vượt 1,9% chỉ tiêu nghị quyết. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai tích cực. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội làm tốt công tác nắm tình hình nhân dân; đồng thời, tổ chức hiệu quả các hoạt động phong trào, cuộc vận động; quan tâm phát triển đoàn viên, hội viên.
*P.V: Những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự đoàn kết, chung lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện. Thế nhưng, sau 1 năm nhìn lại, liệu còn điều gì khiến đồng chí trăn trở?
- Bí thư Huyện ủy PHAN VĂN TRUNG: Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2024, huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, chỉ tiêu số 15 về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 97,71%, trong khi nghị quyết đề ra là 98,75%. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Tiến độ giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn chậm, nguy cơ phải hoàn trả vốn về ngân sách nhà nước.
Công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chưa hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao. Tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy vẫn còn xảy ra; tai nạn giao thông tuy có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số thôn, làng chuyển biến còn chậm.
Những hạn chế, khó khăn nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, chủ yếu là do nền kinh tế chịu ảnh hưởng của lạm phát, thời tiết diễn biến bất thường, giá nông sản không ổn định làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Một số cấp ủy, chính quyền thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sự phối hợp giữa các phòng, ban và các xã, thị trấn trong triển khai nhiệm vụ có lúc, có việc chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám nắm địa bàn chưa tốt, nắm bắt dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời…
Những điều đó buộc huyện phải kịp thời nhìn nhận, đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục để thực hiện tốt nhiệm vụ thời gian tới.
*P.V: Vậy giải pháp mà huyện đề ra trong năm 2025 là gì, thưa đồng chí?
- Bí thư Huyện ủy PHAN VĂN TRUNG: Năm 2025 là năm cuối triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).
Đây cũng là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng như: Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; triển khai thực hiện sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; chuẩn bị các điều kiện để tiến đến bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031…
Thách thức được dự báo khó lường, nhất là với huyện vùng xa, còn nhiều khó khăn như Kông Chro. Điều này đòi hỏi huyện phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để triển khai thực hiện và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đó, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,15% trở lên. Tiếp tục xác định và tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng quản lý, bảo vệ và trồng rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên 46,77%.
Bên cạnh làm tốt công tác quy hoạch, huyện tập trung quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản và chú trọng bảo vệ môi trường. Huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 1.150 tỷ đồng trở lên.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chú trọng công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm hộ nghèo từ 5,2% trở lên so với năm 2024.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng-chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng như sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.
Đặc biệt, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội các tổ chức cơ sở Đảng, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Với nỗ lực và quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn để gặt hái được nhiều “trái ngọt” hơn nữa trong năm mới Ất Tỵ 2025.
*P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kong-chro-chuyen-minh-cung-dat-nuoc-post308251.html