Kông Chro quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Kông Chro đã tập trung ưu tiên các nguồn lực trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thoát nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huyện Kông Chro có 10 xã thuộc vùng 3 và 85 làng dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do vậy, địa phương chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân khu vực này, đồng thời huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn để giúp người dân có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo

Gia đình ông Đinh Hnhoi (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) trước đây là một trong những hộ nghèo. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ một con bò sinh sản, được đơn vị kết nghĩa với làng là thôn 9 hướng dẫn chăm sóc 2 ha bắp, mì. Đầu năm 2019, gia đình ông Hnhoi cùng 17 hộ trong làng đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, làng chỉ còn 11 hộ nghèo trong tổng số 171 hộ, đạt 16/19 tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ông Phạm Văn Niệm-Trưởng thôn 9-cho biết: “Là một trong 3 đơn vị được huyện phân công kết nghĩa với làng Hle Hlang, chúng tôi đã giao cho đảng viên trong thôn hướng dẫn các hộ nghèo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; tiết kiệm chi tiêu trong ma chay, cưới hỏi; vận động thanh niên hỗ trợ ngày công làm chuồng nuôi gia súc, nhà tiêu hợp vệ sinh; tự chỉnh trang, sắp xếp lại nhà cửa, hàng rào, cổng ngõ”.

Gia đình ông Đinh Hnhoi (làng Hle Hlang, xã Yang trung) tự bỏ kinh phí xây nhà vệ sinh. Ảnh: M.N

Gia đình ông Đinh Hnhoi (làng Hle Hlang, xã Yang trung) tự bỏ kinh phí xây nhà vệ sinh. Ảnh: M.N

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Brơn-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung-cho biết: Theo kế hoạch của UBND huyện, Phòng Tư pháp, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và thôn 9 được phân công kết nghĩa với làng Hle Hlang; Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện, thôn 10 kết nghĩa với làng Tnang với mục tiêu giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước nâng dần mức sống. Các dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện đã giúp xã giảm 41 hộ nghèo trong năm 2019. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,38%, xã đã đạt 18/19 tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho Trương Quang Giàu cũng cho hay: Những năm qua, xã tập trung nhiều nguồn lực kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất của gia đình. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần qua từng năm. Năm 2018, toàn xã còn 204 hộ nghèo, chiếm 42,24%, giảm hơn 8% so với năm 2017; năm 2019 số hộ nghèo của xã còn 168 hộ, chiếm 34,15%.

Theo ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro, có nhiều nguồn lực giúp huyện giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo như: các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước được huyện triển khai kịp thời; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư; người dân nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, cải thiện thu nhập; xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững năm 2019 là trên 41,8 tỷ đồng. Trong đó, chương trình 30a là 26,5 tỷ đồng sử dụng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bò sinh sản, phân bón, cây điều ghép. Vốn Chương trình 135 được bố trí 15,3 tỷ đồng dành để phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ bò sinh sản. Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình nông thôn mới năm 2019 là 33 tỷ đồng. Nhờ đó, hộ nghèo toàn huyện năm 2019 còn 2.735 hộ, chiếm 23,15%, giảm 6,94% so với năm 2018.

Tập trung các nguồn lực đầu tư

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro đã triển khai nhiều chương trình khuyến nông trên địa bàn. Đáng chú ý là mô hình cải tạo đàn bò bằng cách cấp 25 con bò đực giống Zêbu (với kinh phí gần 1 tỷ đồng) cho các hộ dân tại 3 xã Chư Krêy, Đak Kơ Ning, Sró. Ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-khẳng định: Việc thực hiện các chương trình khuyến nông, mô hình, dự án khoa học công nghệ kết hợp với công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn đã giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi truyền thống, kém hiệu quả. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. “Hiện chúng tôi đang triển khai mô hình trồng dừa xen canh cây có múi trên diện tích 6 ha cho 12 hộ dân xã Kông Yang; mô hình trồng cây điều ghép rải vụ 40 ha cho 33 hộ dân các xã Đak Song, Đak Kơ Ning, Sró; hỗ trợ 15 hộ dân xã An Trung và Yang Trung trồng 7 ha bưởi da xanh”-ông Quốc nói.

Trao đổi về việc hỗ trợ lao động giúp người dân dựng hàng rào, cổng ngõ. Ảnh: M.N

Trao đổi về việc hỗ trợ lao động giúp người dân dựng hàng rào, cổng ngõ. Ảnh: M.N

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho hay: Theo chỉ đạo của huyện, các xã sử dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án, ngân sách của huyện tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chủ yếu là đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao làng để đẩy mạnh hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Trong năm 2019, huyện đã huy động trên 135 tỷ đồng đầu tư 52 công trình giao thông, 44 công trình dân dụng. Ngoài ra, chương trình xây dựng cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông-Vận tải) đã đầu tư xây dựng 6 cây cầu dân sinh trên địa bàn các xã Chư Krêy, Sró, Yang Nam, Đak Pơ Pho, Đak Song với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. “Hiện nay, hệ thống giao thông đến các thôn, làng trên địa bàn huyện đảm bảo thông suốt, 8/13 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; 100% thôn, làng có đường bê tông đến trung tâm xã. Thời gian tới, bằng nhiều nguồn lực kể trên và tranh thủ huy động trong dân, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục đường nội làng, đường vào khu sản xuất tại 5 xã còn lại, đảm bảo hoàn thành tiêu chí giao thông trong năm 2020”-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng cho biết.

Dù đã có sự khởi sắc, song đời sống của người dân, điều kiện kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện huyện còn đến 2.735 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 2.662 hộ, chiếm 97,3% số hộ nghèo toàn huyện. Theo ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, để giải quyết vấn đề này, cùng với việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng vốn hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo, tích lũy và làm giàu. Đặc biệt, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình phát triển kinh-tế xã hội để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên khu vực dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tranh thủ nguồn lực doanh nghiệp, cộng đồng, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên, không trông chờ ỷ lại của người nghèo để từng bước vươn lên nâng cao chất lượng đời sống.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/201912/kong-chro-quan-tam-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-5661102/