Kông Chro ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và đời sống của người dân khu vực này được cải thiện rõ nét.
Kông Chro là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất tỉnh. Toàn huyện có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, người DTTS chiếm 74,21%, chủ yếu là dân tộc Bahnar (67%), còn lại là các dân tộc khác như: Jrai, Mường, Tày, Nùng, Dao… Đời sống của người dân phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thu nhập không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 5.033 hộ nghèo, chiếm 39,69% (trong đó, hộ nghèo DTTS là 4.833 hộ, chiếm 96,03%); 1.919 hộ cận nghèo, chiếm 15,13% (trong đó, hộ cận nghèo DTTS 1.445 hộ, chiếm 75,3%).
Để hỗ trợ đồng bào DTTS thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp với thực tế của địa phương, trong giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn Chương trình 30a hơn 104 tỷ đồng, huyện đã thực hiện 44 công trình, trong đó có 28 công trình mới và 16 công trình thuộc diện duy tu, bảo dưỡng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135 về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn hơn 74 tỷ đồng, huyện đã hoàn thiện 103 công trình gồm: làm mới 82 công trình và duy tu bảo dưỡng 21 công trình. Đặc biệt, huyện đã hoàn thiện 3 dự án định canh định cư gồm: Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai cho 40 hộ với kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng; Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai làng Brang (xã Đak Pling) cho 60 hộ với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng và Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Chư Krêy cho 43 hộ với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng.
Ông Triệu Văn Tuấn (làng Lơ Pơ, xã Chư Krêy) cho biết: “Năm 2008, tôi và 42 hộ gia đình người Dao di cư từ Lạng Sơn và một số tỉnh phía Bắc vào xã Chư Krêy sinh sống. Thời điểm đó, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2018, tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm, đồng thời bố trí 43 hộ gia đình người Dao đến nơi ở mới. Từ đó, cuộc sống của chúng tôi ngày càng ổn định, khấm khá. Hiện một số hộ đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no”.
Còn ông Đinh Pên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vẻh (xã Chư Krêy) thì cho hay: Trước đây, cuộc sống của 99 hộ đồng bào Bahnar trong làng rất khó khăn, vất vả đủ bề. Được Nhà nước quan tâm xây dựng đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và bò sinh sản, đời sống bà con từng bước cải thiện.
Cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2016-2021, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã cấp hơn 1.000 con bò sinh sản và phân bón, giống cây trồng cho người dân. Triển khai xây dựng các mô hình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
Hiện nay, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Kông Chro đang tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở và đất sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết: Những năm qua, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã xây dựng và lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với thực tế địa phương. Đặc biệt, huyện đang triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, huyện tập trung bám vào các quy định, hướng dẫn của các sở, ban, ngành của tỉnh để thực hiện tốt 3 chương trình này. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện sẽ tạo điều kiện giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải thiện sinh kế, tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.