Krông Pa: Đẩy nhanh gieo trồng vụ mùa
Ngành nông nghiệp và chính quyền các xã, thị trấn ở huyện Krông Pa đang vận động người dân tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mùa nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến khó lường của thời tiết.Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Riêng tại Gia Lai, các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam có nguy cơ xảy ra thiếu nước tưới cho cây trồng vào đầu vụ mùa. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo các địa phương ở 2 khu vực này, trong đó có huyện Krông Pa đẩy nhanh tiến độ gieo sạ diện tích lúa nước và kết thúc trong tháng 6. Còn đối với cây trồng cạn, người dân tùy thuộc vào độ ẩm của đất để xuống giống cho phù hợp.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát thực tế, rà soát diện tích từng khu vực trên địa bàn để bố trí kế hoạch gieo trồng phù hợp với từng vùng, từng khu vực, từng công trình thủy lợi. Đồng thời, các địa phương vận động người dân luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ở những vùng không cung ứng đủ nước tưới cho cây lúa nhưng đủ cho cây rau màu thì chuyển qua các loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu, đồng thời áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước. Đối với những vùng không chủ động được nước tưới thì tranh thủ độ ẩm để gieo trồng những cây ngắn ngày. Đặc biệt, các địa phương cần triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa đến các thôn, buôn, hộ gia đình và chủ động khai thác quỹ đất để sản xuất các loại cây trồng theo kế hoạch.
Vụ mùa 2019, kế hoạch của huyện Krông Pa là gieo trồng hơn 35.172 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 2.500 ha, bắp 2.250 ha, mì 18.250 ha (tăng 750 ha so với vụ trước), mè 1.700 ha, điều 4.355 ha (trồng mới 140 ha), rau các loại 1.250 ha, đậu các loại 990 ha, cây ăn quả 440 ha và một số cây trồng ngắn ngày khác như: khoai lang, dưa hấu, cỏ... Do thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường so với những năm trước nên Phòng Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận, nguyên chủng, ngắn và trung ngày, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống đổ ngã, chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt như: Q5, DV108, OM6976, OM4900, ML48, HT1, LH12, TH6, IR64. Về cây bắp thì sử dụng các giống: Bioseed9698, CP888, CP333, LVN10, NK66; giống mía KK3, KK6, K95-84, LK92-11, K88-92; giống mì KM95, KM96, KM419, KM98-5, KM94; thuốc lá vàng K326, PVH51, CSC07; giống điều B01, PN1, AB29, AB0508...
Từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa đã có mưa, phân bố khá đều ở các xã, thị trấn. Vì vậy, người dân đã tranh thủ độ ẩm để xuống giống tập trung các loại cây trồng. Hiện người dân đã xuống giống được hơn 30.041 ha cây trồng các loại (đạt 86% kế hoạch). Trong đó, một số cây trồng đã cơ bản xuống giống đạt kế hoạch như: mè, dưa lấy hạt, mì, cây ăn quả. Diện tích cây lúa nước của huyện vụ này tiếp tục được mở rộng do khu vực tưới hồ thủy lợi Ia Mlah, Chư Gu... được đầu tư thêm hệ thống kênh mương. Ngoài ra, diện tích mì cũng được tăng hơn 750 ha so với vụ trước do người dân chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả.
Anh Nay Kha (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) cho biết: “Hiện tại, gần 5 sào ruộng lúa của gia đình tôi đã xuống giống xong. Mấy ngày hôm nay, trên địa bàn huyện có mưa, rất thuận lợi cho cây lúa phát triển. Tôi hy vọng thời tiết thuận lợi để người nông dân có vụ mùa bội thu”. Còn chị Ksor Hoan (buôn Chư Jut, xã Chư Gu) thì vui vẻ nói: “Năm nay, nhờ hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi Ia Mlah được đầu tư về đến cánh đồng Chư Gu nên nông dân có đủ nước để sản xuất. Vụ này, bà con không phải sử dụng nước từ trạm bơm Chư Gu nữa. Nhà tôi có hơn 2 sào lúa nước đã xuống giống từ đầu tháng 6, giờ đang phát triển rất tốt”.
Hiện cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đang tiếp tục đôn đốc người dân xuống giống những diện tích còn lại cho kịp lịch thời vụ. Để sản xuất hiệu quả, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân gieo sạ tập trung, xuống giống đồng loạt theo lịch tưới của Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện và Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah nhằm đảm bảo cho cây trồng không bị thiếu nước khi công trình cắt nước vào cuối vụ.
“Việc xuống giống đồng loạt sẽ giúp cây trồng hạn chế sâu bệnh. Chúng tôi đã chỉ đạo các xã có công trình thủy lợi củng cố hệ thống kênh mương, nhất là kênh mương nội đồng, sử dụng tiết kiệm nước, khai thác có hiệu quả diện tích có nước và năng lực tưới của các công trình thủy lợi. Đồng thời, các địa phương vận động người dân khai thác hết diện tích trong vùng tưới để gieo cấy nhằm phát huy tối đa năng lực tưới của các công trình thủy lợi Ia Mlah, Ia Hdreh, Ia Rmok, Uar, Phú cần…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết thêm.