KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Cần sớm có lộ trình thoát nước cho Thủ đô
Để giải quyết úng ngập cho Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng việc xây dựng một thành phố là hàng chục, hàng trăm năm. Trong đó việc tiêu thủy thoát nước cũng phải có một lộ trình tương tự.
Chúng ta thấy rằng, Hà Nội đang được xây dựng rất nhanh, tuy nhiên cách xây dựng lại nghiệp dư, vậy nên các khả năng thoát nước là bị triệt tiêu chủ đích cũng có và tùy tiện cũng có. Xây dựng đô thị nhưng người ta không quan tâm tới việc xây dựng những vùng trũng để làm thoát nước tức thời, rồi có thể thấm qua mặt đất giảm bớt lượng mưa thoát qua. Do vậy khi mưa to chảy vào chỗ không thoát được thì nước sẽ dâng lên rất nhanh. Khu vực úng ngập giống như một bát nước bê tông, mưa đến đâu thì hứng đầy tới đó, không chảy đi đâu được.
Còn khu đô thị mới trở thành điểm đen của úng ngập, cùng với đó là một số khu vực ngoại ô cũng biến thành sông thì đó là tất yếu của một quy hoạch nghiệp dư, của sự phát triển đô thị tùy tiện từ cả 2 phía, người vẽ ra đô thị đó đã không có tính chuyên nghiệp, thế rồi người thẩm định phê duyệt và thực hiện lại tiếp tục phá hủy nó, tiếp tục lấp đi những khoảng trống có thể là không gian trữ nước. Việc đó diễn ra trong vòng 10 năm, từ khi vẽ bản thiết kế chỗ nào cao thì xây lên không vấn đề gì, nhưng người sau lại xây cao hơn, tất cả các công trình đều xây cao dần thì chỗ trũng nhất chính là mặt đường. Cho nên phố biến thành sông là chuyện bình thường, và sẽ ngập sâu, lâu hơn. Có thể nói, tần suất ngập sẽ thường xuyên vì đó chính là hệ quả của biến đổi khí hậu, cộng thêm hệ quả của tính nghiệp dư trong quản trị đô thị, phát triển đô thị và trong hoạch định những chiếc lược phát triển đô thị qua những bản quy hoạch.
Việc ao hồ đang bị bức tử ở Hà Nội là ăn vào thiên nhiên, ăn vào tương lai. Lấp ao hồ là lấp đi không gian dự trữ, lấp ao hồ hay bê tông hóa cũng làm triệt tiêu không gian thoát nước, như vậy nước mưa xuống không có chỗ chứa và nước tràn vào nơi sinh sống của chúng ta. Chúng ta biết Hà Nội bắt đầu đào các công trình ngầm, nếu không có chiến lược thoát nước thì tất cả những hầm Metro hay những công trình hầm có khác gì “hang chuột” bị đổ nước vào. Lúc đó thiệt hại không chỉ người và của mà tài sản tích lũy vay mượn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm cũng có thể trở thành số không trong chốc lát. “Tai nạn” đó không phải là dự báo mà đã xảy ra ở những đô thị lớn.
Chúng ta biết rằng xây dựng một thành phố là hàng chục, hàng trăm năm. Trong đó việc tiêu thủy thoát nước cũng phải có một lộ trình tương tự. Cho nên việc thoát nước mưa, nước thải không phải là việc 5 hay 10 năm nữa, kiểu như tôi có hàng trăm tỉ tôi mới làm. Vấn đề là tôi có một đồng tôi cũng phải làm, có thể 10 năm nữa tôi khác, nhưng ngày mai tôi đã phải khác. Tức là phải có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, Hà Nội là nơi hội tụ anh tài bốn phương, có rất nhiều các tổ chức chuyên gia có thể giải quyết những vấn đề đó. Có điều người ta không được giao nhiệm vụ đó, thậm chí khi người ta đóng góp ý kiến còn không được lắng nghe.
Theo tôi việc giải quyết úng ngập ngắn hạn và dài hạn là hoàn toàn có thể làm được ở diện nhỏ và diện rộng. Chúng ta cần có bản đồ chống ngập qua các trận mưa lớn, hãy đưa ra bản đồ đó và chuyên gia sẽ tìm giải pháp để giải quyết thực trạng úng ngập trước mắt và lâu dài. Vấn đề là người chịu trách nhiệm có đủ can đảm và trách nhiệm để bắt tay thực hiện hay không.