'Kumanthong là hình thức lừa đảo từ sự sợ hãi của con người'
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc truyền bá tư tưởng kumanthong mang lại thành công, may mắn là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người.
Ngày 27/2, Thơ Nguyễn - YouTuber chuyên làm nội dung cho trẻ em - đăng tải clip dùng búp bê kumanthong để “xin vía học giỏi” do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ”.
Đoạn video bị nhiều người phản đối vì cho rằng tuyên truyền mê tín dị đoan. Sau nhiều tranh cãi, tối 10/3, trang TikTok của Thơ Nguyễn ẩn phần lớn clip đã đăng.
Trao đổi với Zing, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, nói lấy làm tiếc khi trong xã hội văn minh ngày nay vẫn có người truyền bá mê tín như vậy.
Hình thức lừa đảo
“Kumanthong không có trong đạo Phật, giáo lý nhà Phật không tán đồng bất cứ hình thức nào thuộc về mê tín dị đoan, làm cho con người sợ hãi, bị chi phối, dẫn dắt như vậy”, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định.
Theo đó, kumanthong là niềm tin mê tín về bùa. Kuman là tiếng Bali, được gọi là “đồng tử” (cậu bé ấu niên), trong khi Kumari là “đồng nữ” (cô bé ấu niên). Thong là chữ riêng của Thái Lan, nghĩa là “cậu vàng”. Kumanthong nghĩa là “kim đồng tử” (cậu bé vàng).
Những người mê tín ở Thái Lan quan niệm chỉ cần thờ “cậu bé vàng” thì sẽ cầu gì được nấy. Tại Việt Nam, “kim đồng tử” thường bị dịch sai là “thiên linh cái”.
Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nói thêm: “Niềm tin vào kumanthong mang lại thành công trong học đường, may mắn trong làm ăn… là hình thức lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nói xét về phương diện tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, người ta có thể lợi dụng việc luật không cấm để thờ kumanthong.
Tuy nhiên, cần sự nỗ lực, chung sức để khiến hình thức mê tín dị đoan này sớm kết thúc.
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông thuộc Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, cũng nói với Zing búp bê kumanthong không liên quan tới đạo Phật như nhiều người lầm tưởng.
Cần dẹp bỏ
Thực tế, tại Thái Lan, nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về phản ứng tiêu cực, chính quyền cũng cảnh báo người dân về xu hướng sử dụng búp bê kumanthong.
Năm 2016, Jedsada Chokdamrongsuk - khi đó là lãnh đạo Cục Sức khỏe tâm thần Thái Lan, hiện giữ chức thư ký thường trực tại Bộ Y tế Thái Lan - nhận định sự mê tín của người Thái cùng niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên để tìm điểm tựa tinh thần hoặc chạy theo trào lưu khiến xu hướng nuôi kumanthong ngày càng lan rộng.
Ông Chokdamrongsuk khuyên người dân nên tin vào những giáo lý, có nguồn gốc rõ ràng và đáng tin cậy, Bangkok Post đưa tin.
Cùng năm, Chakthip Chaijinda - khi đó là Giám đốc Cảnh sát hoàng gia Thái Lan - bày tỏ quan điểm cá nhân rằng việc nhiều người nuôi những con búp bê kumanthong để được giàu có, thịnh vượng là điều điên rồ, theo Thai PBS.
Tại Việt Nam, ban lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cũng từng lên tiếng về kumanthong.
Tháng 4/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã có công văn chỉ đạo về hiện tượng búp bê kumanthong, xác định rõ đây là hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật Việt Nam.
Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội Vụ tỉnh Nam Định cũng từng có công văn cung cấp thông tin về kumanthong và quan điểm về hiện tượng này. Theo đó, kumanthong là hình thức mê tín, vi phạm pháp luật, gây tổn hại kinh tế và nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép ở những người tin theo.
Nếu việc sản xuất, mua bán, sử dụng hiện tượng này không được ngăn chặn kịp thời, để trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Đồng thời, việc này dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội như gia tăng các hoạt động mua, bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.