Kỳ 1: Bắc Kạn sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Chính phủ, ngày 14/10/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, hàng loạt cây trồng có thế mạnh như lúa nếp Khẩu Nua Lếch, Bao thai, dong riềng, thuốc lá, chè, nghệ, mơ, cam, quýt, bí xanh thơm... đã được nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất hàng hóa. Nhiều sản phẩm hàng nông sản Bắc Kạn như Curcumin nghệ, gừng, tinh bột nghệ, bí xanh thơm, gạo Japonica, gà đồi... đã được nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng tiêu thụ, tạo được thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã vào thị trường châu Âu; sản phẩm quả mơ, củ gừng “phủ sóng” tại siêu thị ở Nhật Bản...
Toàn tỉnh tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành…
Phấn đấu tới năm 2030, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân (3,5%/năm); tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2 - 2,5%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2030 đạt trên 98,5%. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 65%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tối thiểu là 72%...
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, ngay từ năm 2021, tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn...
Theo đó, chủ động cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng; tập trung thúc đẩy phát triển các ngành hàng đã được xác định theo 3 nhóm sản phẩm theo các nội dung đề ra tại Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường; nhân rộng các mô hình áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gắn với quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi; tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Phát triển số lượng và quy mô các chuỗi liên kết hiện có như: Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghệ, dong riềng; cây dược liệu,... Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chú trọng chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng chí Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Sau gần 2 năm cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động sản xuất chăn nuôi đã đi vào chiều sâu, toàn tỉnh hiện có hơn 20 trang trại lớn chăn nuôi lợn, trâu, bò theo quy trình an toàn sinh học. Các hộ cá thể tập trung chăn nuôi các loại vật nuôi chính mà địa phương có thế mạnh như: Trâu, bò, lợn địa phương, tận dụng tối đa các lợi thế của từng tiểu vùng và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, phát huy lợi thế sản phẩm bản địa như gỗ rừng trồng, dược liệu,… tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ rừng và hướng tới việc chi trả, theo sự tăng trưởng của rừng và tích lũy các-bon. Nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp bằng cách xây dựng chính sách khuyến khích các hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Với những kết quả trong giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2030, sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến được coi là vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng với việc áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng cho phát triển nông lâm nghiệp, chắc chắn sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ở tỉnh Bắc Kạn sẽ còn tiến xa./.