Kỳ 1- Chặng đường gian khó và niềm tin son sắt



Khi ấy, nhiều người gọi Bắc Kạn là “tỉnh trắng”: Trắng cơ sở vật chất, trắng nguồn lực, trắng kinh nghiệm quản lý điều hành. Nhưng cũng chính từ xuất phát điểm gần như số 0, với sự hỗ trợ từ Trung ương, một chương sử 28 năm đã được viết nên bằng ý chí, bằng niềm tin và tinh thần không chấp nhận bị bỏ lại phía sau.

Sau tái lập, Bắc Kạn có diện tích hơn 4.800km², dân số chỉ khoảng 270.000 người, sống rải rác giữa vùng núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Địa phương nằm trong nhóm tỉnh nghèo nhất cả nước, nguồn thu ngân sách không đủ chi trả lương cán bộ. Cơ sở làm việc chủ yếu là nhà tạm, thiết bị lạc hậu, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu. Một tỉnh mới với văn phòng làm việc của các sở, ban ngành là những căn nhà cấp bốn, trụ sở xập xệ, thiếu điện thoại, thiếu máy tính...
Ngay cả trung tâm tỉnh lỵ khi ấy – thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) cũng chỉ là khu phố nhỏ, heo hút, đường sá xuống cấp trầm trọng, hầu như không có kết nối với các tỉnh bạn. Cả tỉnh chưa có tuyến quốc lộ nào đạt chuẩn. Nhiều xã chưa có đường đến trung tâm.

Tách ra từ Bắc Thái, tỉnh Bắc Kạn gặp bộn bề khó khăn. Kinh tế - xã hội kém phát triển, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc thiếu thốn, giao thông khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều tập tục và canh tác còn lạc hậu. Bộ máy tổ chức các cơ quan mới bắt đầu củng cố, sắp xếp đi vào hoạt động vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Trong 112 xã, phường, thị trấn có 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Lễ mít tinh thành lập tỉnh Bắc Kạn năm 1997 (Ảnh tư liệu)
Năm 1997, tỉnh Bắc Kạn có 05 huyện, 01 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn, trong đó có 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 02 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia; 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Tỷ lệ đói nghèo trên 50% số hộ dân.

Trong bối cảnh đó, điều quý giá nhất không nằm ở vật chất mà chính là tinh thần đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền, cán bộ đến Nhân dân. Từng bản làng, từng rẻo núi được “đánh thức” bởi khát vọng đổi thay.

Ngay trong năm 1998, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xác định 3 lĩnh vực cần đầu tư khẩn cấp: Giao thông, giáo dục và y tế. Nguồn vốn từ Trung ương, dự án ODA, vay Ngân hàng Thế giới… lần lượt được phân bổ. Mang theo sứ mệnh “đi trước mở đường, Quốc lộ 3 – tuyến đường huyết mạch nối Bắc Kạn với Thái Nguyên – được cải tạo, mở rộng. Hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” lần lượt được đầu tư xây dựng. Giáo dục và đào tạo được quan tâm chú trọng. Lần đầu tiên, một số trạm y tế xã có bác sĩ về công tác. Các mô hình trồng rừng, phát triển kinh tế dần hình thành.
Ông Lèng Văn Tý, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn.
Trong bộn bề khó khăn ấy, Bắc Kạn luôn tin vào tiền đồ tươi sáng với bản lĩnh, ý chí sắt son của người miền núi, đó là: Sự bền bỉ, nhẫn nại, không sợ gian khó; là niềm tin vào Đảng, vào chính quyền, vào sự đổi thay – dù còn chậm nhưng vững chắc.
Rất nhiều cán bộ từ nơi khác được phân công lên Bắc Kạn công tác, ban đầu chỉ nghĩ “làm vài năm rồi chuyển đi”. Nhưng cuối cùng, họ chọn ở lại – không nỡ rời xa mảnh đất và con người nơi đây.

Gần ba thập kỷ sau ngày tái lập, Bắc Kạn hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Những gian khó của thuở đầu vẫn còn in đậm trong ký ức của những người đã đi qua thời khắc ấy. Ký ức đó không chỉ là một phần lịch sử, mà chính là cốt cách của đất và người Bắc Kạn: Đi sau nhưng không chậm, khởi đầu muộn nhưng không chấp nhận đứng yên./. (Còn nữa)