Kỳ 1: Dòng chảy tri thức từ đất thiêng

Mỗi độ Xuân về, sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại rợp bóng áo trắng học trò. Không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là biểu tượng của truyền thống hiếu học Thăng Long, nơi ghi dấu hành trình khoa bảng gần một thiên niên kỷ.

Mạch nguồn khoa bảng đất Thăng Long

Một góc làng khoa bảng Tả Thanh Oai (Thanh Trì) ngày nay. Ảnh: Khánh Huy

Một góc làng khoa bảng Tả Thanh Oai (Thanh Trì) ngày nay. Ảnh: Khánh Huy

LTS: Không phải ngẫu nhiên mà người Hà Nội từ bao đời vẫn giữ trong mình một tâm thế trọng học, trọng chữ, trọng người tài. Từ những bậc đá rêu phong nơi Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ những nếp nhà cổ ở Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng, đến những lớp học khang trang hôm nay dòng chảy tri thức vẫn âm thầm bồi đắp bản sắc Thăng Long – Hà Nội một mạch nguồn không đứt đoạn.

Văn Miếu – nơi khởi đầu hành trình khoa bảng

Văn Miếu được dựng năm 1070 dưới triều Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử. Năm 1076, Quốc Tử Giám ra đời dưới thời Lý Nhân Tông, đánh dấu sự khai sinh của nền giáo dục quốc gia. Đến thế kỷ XV, triều Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ đầu tiên, khắc tên những người đỗ đại khoa. Tính đến cuối triều Nguyễn, có 82 tấm bia ghi danh 1.304 vị khoa bảng. Trong đó, hàng trăm người xuất thân từ các làng quê quanh Kinh kỳ, góp phần tạo nên một bản đồ học thuật đặc sắc bậc nhất cả nước.

Không chỉ dừng lại ở các thiết chế Trung ương, Thăng Long còn là cái nôi của những dòng họ ba đời đèn sách, những gia đình lấy sự học làm nền tảng. Các gia phả, thư tịch, hoành phi ở nhiều làng quê như Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng… vẫn ghi lại những lời răn dạy hậu thế phải lấy chữ làm đầu, học để làm người, học để phụng sự quốc gia.

Thạc sĩ Đường Ngọc Hà (Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám) cho biết: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi quy tụ và đào tạo nhiều thế hệ hiền tài cho đất nước. Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, tinh thần hiếu học và lòng trọng chữ nghĩa đã được hình thành và nuôi dưỡng tại chính không gian di tích này. Những tấm bia tiến sĩ tại đây không chỉ là bằng chứng về lịch sử giáo dục khoa cử mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về đạo lý “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Các giáo viên, học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm (Tả Thanh Oai, Thanh Trì) dâng hương tại lăng mộ và nhà thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm.

Các giáo viên, học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm (Tả Thanh Oai, Thanh Trì) dâng hương tại lăng mộ và nhà thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm.

Những làng quê thấm đẫm tinh thần khoa bảng

Tại làng Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm nơi được mệnh danh là làng khoa bảng tiêu biểu nhất Hà Nội, truyền thống học hành vẫn còn hiện rõ qua từng nếp nhà, từng viên đá lát sân đình. Làng có tới 22 vị đỗ đại khoa, là quê hương của những tên tuổi như Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường, Đỗ Thế Giai. Đông Ngạc không chỉ nổi tiếng với số lượng khoa bảng, mà còn là nơi ra đời của các dòng họ trọng học, giữ gìn nền nếp học đường suốt nhiều thế kỷ.

Tại nhà thờ họ Phan, những bức hoành phi cổ vẫn còn nguyên dòng chữ ca ngợi học phong và đạo đức. Ông Phan Quốc Bảo (Trưởng tộc họ Phan tại Đông Ngạc) cho biết: “Cụ Phan Phu Tiên danh nhân khai khoa của làng Đông Ngạc từng hai lần đỗ tiến sĩ, lần đầu vào năm 1393 thời nhà Trần. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm quan tại Hoan Châu (Nghệ An). Riêng dòng họ Phan hiện có 7 chi, đang lưu giữ tổng cộng 9 sắc phong phần lớn là từ thời Hậu Lê và nhà Nguyễn. Chi của tôi còn giữ được 2 sắc phong. Những sắc phong này phần lớn ban cho các cụ từng làm quan”.

Không xa Đông Ngạc, làng Tả Thanh Oai (Thanh Trì) hiện lên với dáng dấp cổ kính, mang trong mình một truyền thống khoa bảng bền bỉ. Tả Thanh Oai có 12 vị đỗ đại khoa, là nơi khởi phát của dòng họ Ngô Thì - một trong những gia tộc học thuật danh tiếng bậc nhất Việt Nam, Cụ Nguyễn Chỉ là người đầu tiên đỗ tiến sĩ khai khoa của làng. Truyền thuyết về Đầm Mực nơi gắn với thầy Chu Văn An và người học trò là thủy thần vẫn được người dân truyền lại như minh chứng cho sự linh thiêng của vùng đất phát văn. Tại làng Tả Thanh Oai đến nay vẫn truyền nhau câu nói “Ngô lập ấp, Nguyễn Khai Khoa” như để nhắc lại lịch sử lâu đời của vùng đất này.

“Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ rất rõ nét và giàu ý nghĩa giữa các dòng họ khoa bảng Thăng Long xưa với những nỗ lực giáo dục cộng đồng hiện nay. Đó là các làng: Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm), Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết; Hà Lỗ (Đông Anh), Bát Tràng (Gia Lâm), các làng: Du Lâm, Vân Điềm đều thuộc huyện Đông Anh, làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) và các dòng họ như: Nguyễn làng Vân Điềm (Đông Anh), họ Nguyễn làng Du Lâm (Đông Anh), họ Phạm, họ Hoàng, họ Phan (Đông Ngạc), họ Nguyễn (Phú Thị)...

Họ chính là đại diện tiêu biểu cho văn hiến Thăng Long, cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của mảnh đất Kinh kỳ suốt cả ngàn năm lịch sử qua.… đã từng sản sinh ra nhiều tiến sĩ, danh nhân, góp phần tạo nên truyền thống hiếu học và tinh thần trọng tri thức của đất Thăng Long. Tinh thần đó không chỉ dừng lại trong sử sách hay bia đá, mà còn lan truyền qua nhiều thế hệ, thông qua nếp nhà, gia phong và cả trong phong trào học tập hiện đại” – Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Hoạt động trải nghiệm Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Truyền thống trọng học trong đời sống cộng đồng

Trên khắp các vùng quê Hà Nội, truyền thống hiếu học vẫn được tiếp nối thông qua nhiều hình thức đa dạng. Các dòng họ duy trì việc tổ chức lễ vinh danh học sinh giỏi, khen thưởng con cháu đỗ đạt, lập quỹ học bổng, thăm hỏi thầy cô giáo cũ. Trong mỗi dịp lễ làng hay ngày giỗ tổ, không thể thiếu phần dâng hương tại văn chỉ để nhắc nhớ công lao của các bậc tiền nhân đèn sách. Đáng nói hơn, phong trào khuyến học lan rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, không chỉ ở riêng các dòng họ có truyền thống khoa bảng.

Nhiều địa phương còn phục dựng các hoạt động thi Hương, thi Hội bằng hình thức sân khấu hóa hoặc trải nghiệm tại di tích. Những buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo về truyền thống khoa bảng, về gương danh nhân địa phương được tổ chức đều đặn tại nhà văn hóa xã hoặc trong khuôn viên đình làng. Các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn cũng đưa truyền thống hiếu học quê hương vào giờ học trải nghiệm, nhằm khơi dậy lòng tự hào địa phương và vun đắp chí tiến thủ cho học sinh.

Ở cấp TP, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn đóng vai trò trung tâm lan tỏa tinh thần hiếu học. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thiết kế và triển khai nhiều chương trình giáo dục di sản sáng tạo, giúp học sinh và sinh viên trải nghiệm trực tiếp không khí học hành, thi cử thời xưa. Các hoạt động như “Quốc Tử Giám – trường quốc học đầu tiên”, “Lớp học xưa” hay các workshop cho sinh viên kết hợp công nghệ (AR/VR, mô hình 3D...) đã tạo cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Mục tiêu chung là biến di tích trở thành không gian giáo dục sống động, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ.

"Hà Nội – nơi được xem là trung tâm trí tuệ, học thuật qua nhiều thời kỳ – thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi kết tinh và lan tỏa mạnh mẽ nhất truyền thống hiếu học ấy. Qua các hoạt động giáo dục di sản mà chúng tôi triển khai, đặc biệt là các chương trình trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên và du khách, giá trị của tinh thần khoa bảng Thăng Long – Hà Nội tiếp tục được truyền đi một cách sinh động và phù hợp với thời đại" - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà cho biết.

(Còn nữa)

Thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy, Hà Nội có tổng cộng 112 người đỗ đại khoa, gồm 1 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 17 Hoàng giáp, 88 Tiến sĩ và 4 Phó bảng. Đây là minh chứng sống động cho sự phát triển liên tục, rộng khắp và bền vững của mạch nguồn khoa bảng nơi đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-dong-chay-tri-thuc-tu-dat-thieng-419545.html