Kỳ 1: Đứng lên sau thất bại
Có công việc ổn định với mức lương nhiều người mơ ước, nhưng nhiều bạn trẻ ở Gia Lai đã từ bỏ cơ hội tốt để chọn cho mình con đường ít bằng phẳng hơn, đó là khởi nghiệp, tự mình làm chủ. Trải qua không ít thất bại, nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm, nhiều người đã thành công đáng ngưỡng mộ.
Với niềm đam mê và quyết tâm, nhiều bạn trẻ đã dấn thân khởi nghiệp bằng cách tạo nên những sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao, được thị trường đón nhận. Cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đã dấy lên phong trào có sức lan tỏa, kích thích người trẻ khát vọng làm giàu từ đôi bàn tay, khối óc của mình.
Dám nghĩ, dám làm
Trưa nắng, gian hàng trưng bày sản phẩm của chị Nguyễn Thị Kim Anh (số 90 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn đông người tới giao nhận hàng. Chủ gian hàng cùng nhiều nhân công tất bật xếp hàng, viết hóa đơn cho khách.
Nghe chị Kim Anh kể chuyện mới thấy được những nỗ lực, quyết tâm khi dấn thân khởi nghiệp. Chị từng là nhân viên thị trường của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong những lần đi khảo sát thị trường, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp khiến chị Kim Anh cảm thấy thích thú.
Năm 2016, chị dồn tiền để xây dựng trang trại trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh và thuê 1 công ty ở TP. Hồ Chí Minh về lắp đặt. Lúc đầu, chỉ trồng rau trong nhà màng, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Tuy nhiên, khi mở rộng nhà màng hơn 1.000 m2, vì không xử lý kỹ đất nền và điều kiện thời tiết thất thường nên rau bị sâu bệnh phá hoại, thất bại nhiều đợt liên tiếp. Bao nhiêu tiền đầu tư đều ra đi cùng rau. Thất bại, chị Kim Anh đành gác lại chuyến phiêu lưu, tạm quay về với công việc nhân viên thị trường.
Nhưng ở sâu trong tiềm thức, niềm đam mê khởi nghiệp vẫn thôi thúc chị. Đến năm 2018, chị bắt tay khởi nghiệp một lần nữa bằng sản phẩm tinh dầu sả hương nhu, tinh dầu bưởi... với mong muốn phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và nhiều giá trị hữu dụng khác. Để không lặp lại thất bại, chị Kim Anh đã đến nhiều công ty chuyên sản xuất tinh dầu ở tỉnh Đak Lak học hỏi kinh nghiệm rồi bắt tay chế biến những mẻ tinh dầu đầu tiên bằng phương pháp thủ công.
“Tái khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, không phải cứ làm là thành công ngay. Cách làm của mình là thực hành, sai chỗ nào sửa chỗ đó. Sau 10 lần thử nghiệm, mình mới chưng cất thành công tinh dầu”-chị Kim Anh tâm sự.
Ngoài sản phẩm tinh dầu cô đặc, chị Kim Anh còn làm thêm nhiều sản phẩm như: nước súc miệng, sữa tắm, nước lau sàn. Liều lượng pha chế với tỷ lệ đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, mỗi loại có những công dụng khác nhau. Các sản phẩm đều được chị Kim Anh đem đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh và được xác nhận về độ an toàn.
Cũng từng có công việc ổn định tại một ngân hàng ở tỉnh Đồng Nai nhưng anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1990) lại quyết định về lại xã Đak Hlơ (huyện Kbang) khởi nghiệp. Việc kinh doanh của anh vấp phải không ít sự ngăn cản từ gia đình, nhưng với quyết tâm, anh Hòa vẫn kiên định khởi nghiệp.
Lúc đầu, anh Hòa cũng khá băn khoăn khi lựa chọn mô hình khởi nghiệp bởi kiến thức và mối quan hệ xã hội không có. Trong 2 năm (2015-2016), anh Hòa liên tục thất bại từ trồng dưa hấu, nuôi chim bồ câu Pháp đến nuôi rắn mối. Số tiền tích lũy hơn 200 triệu đồng “đội nón ra đi”. Anh nhận ra mình còn thiếu hiểu biết, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chưa đủ, mô hình cũng chưa phù hợp.
Vấp ngã không làm chàng trai trẻ nản chí, tình cờ tìm hiểu mô hình khép kín VAC, trong đó sử dụng mô hình nuôi trùn quế và sâu canxi làm chủ lực, anh Hòa đã vay vốn ngân hàng và bạn bè để khởi nghiệp lại từ đầu. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn, đặc biệt mô hình nuôi trùn quế và sâu canxi còn khá mới.
“Khó khăn thì không thể kể hết, mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đúng là nói thì dễ, làm mới khó, có những lúc mình muốn từ bỏ, nhưng chính sự đam mê đã giúp mình kiên trì theo đuổi khởi nghiệp”-anh Hòa chia sẻ.
Theo anh Hòa, việc nuôi trùn quế không quá khó nhưng phải đáp ứng các đặc tính sinh trưởng. Trùn quế phát triển tốt ở độ ẩm 55-80% với khung nhiệt độ 24-35 độ C. Tuy nhiên, phải kỹ lưỡng ở khâu xây dựng chuồng trại, bảo đảm độ thoáng mát. Thức ăn là các loại phế phẩm nông nghiệp, phân của gia súc, gia cầm được ủ đúng cách. Từ việc nuôi trùn quế có thể thu được rất nhiều sản phẩm: trùn quế để cung ứng giống; trùn quế tươi làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho thủy sản, gà, vịt; phân trùn dùng để bón cho cây trồng…
Thành công nhờ chất lượng
Đầu năm 2019, thương hiệu An Thiên của chị Kim Anh với các loại tinh dầu: sả, hương nhu, gừng, bưởi… đã được người tiêu dùng đón nhận. Hiện sản phẩm tinh dầu An Thiên có chỗ đứng trên thị trường, lượng khách quen ngày càng nhiều, đã có đại lý ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ sở của chị Kim Anh đạt doanh thu hơn 250 triệu đồng/tháng; tạo việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương. Việc thu mua những phế phẩm nông nghiệp như: lá sả, vỏ bưởi, lá khuynh diệp… cũng giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập.
“Làm lại từ 2 bàn tay trắng, mình đã gặp rất nhiều áp lực và cũng có lúc nản chí. Khởi nghiệp không hề dễ dàng, nhưng mình luôn nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình. Mình cảm thấy hạnh phúc khi thương hiệu tìm được chỗ đứng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của khách hàng. Chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng thì mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác”-chị Kim Anh chia sẻ.
Trang trại trùn quế của anh Hòa rộng hơn 15.000 m2. Sản phẩm trùn quế thu được từ 0,3 đến 0,5 kg/m2, với giá bán 50.000-80.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 120.000-150.000 đồng/kg. Ngoài ra, khoảng 4 tháng, anh Hòa lại bán phân trùn 1 lần với khối lượng khoảng 60-80 tấn, giá 2-3 triệu đồng/tấn.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khá vội vàng, tâm lý “mì ăn liền”, không hoạch định rõ ràng từng bước thực hiện để “nuôi” mô hình phát triển lâu dài. Để giúp các bạn định hình tốt hơn, cụ thể hơn về khởi nghiệp, hiểu rõ mình cần phải làm những gì để mô hình đi đúng hướng và thành công, những năm gần đây, Liên hiệp Hội thường xuyên phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức các lớp hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên xây dựng kế hoạch khởi nghiệp, cách đánh giá, phân tích tài chính, mức độ khả thi của ý tưởng.
Theo khảo sát của anh Hòa, hiện tại, nhu cầu sử dụng phân trùn quế rất lớn. Anh Hòa thường xuyên đến các trang trại trồng trọt để chia sẻ về tác dụng của phân trùn quế; hướng dẫn người dân cách nuôi trùn quế và xây dựng chuồng trại. Đó vừa là cách để giới thiệu sản phẩm vừa tuyên truyền giúp người dân hiểu giá trị của nông nghiệp hữu cơ, cải tạo, phục hồi đất sau thời gian lạm dụng phân hóa học.
Cứ thế, anh Hòa tạo nên một “mạng lưới khách hàng” khá bền vững, với 38 cụm trại ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sản phẩm làm ra đều được anh Hòa bao tiêu với giá thành cao. Trong quá trình khởi nghiệp, anh Hòa đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tài chính cho những hộ dân khó khăn, thanh niên yếu vốn, tạo việc làm thường xuyên cho 6-8 thanh niên địa phương với thu nhập ổn định 6-9 triệu đồng/tháng.
Khi mô hình nuôi trùn quế ổn định, anh Hòa quyết định đầu tư mở rộng hợp tác nuôi heo sạch, nuôi cá chình, trồng cây ăn quả. Hàng năm, doanh thu từ chuỗi cụm trại liên kết và các nông sản hữu cơ trên 3 tỷ đồng, đem lại niềm phấn khởi cho trại viên và những người đồng hành cùng anh Hòa từ những lúc khó khăn. Anh Hòa cho biết: “Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần xử lý rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường”.
Chị Kim Anh và anh Hòa đã từng khởi nghiệp thất bại, nhưng họ dám đối diện, có quyết tâm và đam mê để khẳng định sản phẩm bằng chất lượng và uy tín. Tin tưởng rằng, những người trẻ dám nghĩ, dám làm này sẽ tiến xa và thành công hơn nữa trên con đường khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.