Kỳ 1: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh từ 'cõi chết'

Nửa thế kỷ kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), TPHCM không ngừng vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong 50 năm qua, các cấp lãnh đạo TP không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, luôn năng động, sáng tạo và chủ động đầu tư xây dựng hàng chục công trình khang trang, hiện đại. Trong các công trình ấy, không thể không nhắc đến hệ thống kênh rạch. Từ chính sách đúng đắn này, nhiều con 'kênh chết' đã được khoác lên mình 'chiếc áo mới' góp phần làm thay đổi diện mạo TP xanh, sạch, đẹp!

Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nhắc đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN), người ta nghĩ ngay đến một dòng kênh đen ngòm, hôi thối. Để hồi sinh dòng kênh đang từng ngày ngắc ngoải này, vào những năm cuối của thế kỷ 20, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn quyết tâm đầu tư, cải tạo dòng kênh ô nhiễm bậc nhất TP lúc bấy giờ trở thành một dòng kênh xanh mát.

Giai thoại Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Là một trong những tuyến đường thủy lâu đời nhất TPHCM, kênh NL - TN dài 9.470m, có nhiều nhánh phụ nhưng sau đó bị lấp ở thượng nguồn, hiện còn khoảng 9km. Kênh bắt đầu từ cửa cống hộp tại giao lộ Lê Bình - Út Tịch (Q.Tân Bình), chảy qua 5 quận: Tân Bình, Phú Nhuận, 3, 1 và Bình Thạnh rồi đổ ra sông Sài Gòn tại xưởng đóng tàu Ba Son cũ.

Con kênh này chia làm 2 đoạn: Từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn được gọi là Thị Nghè; từ cầu Thị Nghè ngược lên đầu nguồn gọi là Nhiêu Lộc. Mỗi đoạn kênh gắn liền với một giai thoại cụ thể.

Theo Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức, kênh NL - TN ngày xưa có tên là sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh

Bà Nghè tên thật là Nguyễn Thị Khánh, là con gái đầu của quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Chồng bà là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi bà là bà Nghè theo chức tước của chồng. Tuy nhiên, theo Từ điển địa danh Sài Gòn - TPHCM do Lê Trung Hoa làm chủ biên thì vào thời phong kiến, từ "Nghè” được dân gian dùng để gọi những người đỗ tiến sĩ. Ở đây có sự hiểu lầm của người dân địa phương bởi chồng bà Khánh không đỗ tiến sĩ.

Sở dĩ có tên này là do thời ấy, bà Nghè khai chiếm đất dựng nhà ở, làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi. Để tiện cho công việc thư lại của chồng bên Sài Gòn và cho người dân qua lại mà không phải đi đò, bà cho bắc một cây cầu ngang qua kênh, từ đó người dân quen gọi tên cầu là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè. Gần cầu Bà Nghè có một cái chợ khá lớn, buôn bán nhộn nhịp.

Đến thời Pháp, cây cầu và con kênh được đổi thành Thị Nghè, trong đó chữ thị nhằm chỉ hoạt động buôn bán chợ búa (Chợ Thị Nghè). Cũng vào thời Pháp, con kênh này còn có tên khác là Arroyo de l'Avalanche. Avalanche là tên con tàu của quân Pháp đi theo rạch Thị Nghè vào thám thính thành Gia Định vào ngày 16/02/1859.

Đối với tên Nhiêu Lộc, theo truyền miệng, vào thời nhà Nguyễn có một ông quan tên Đặng Lộc với chức quan Nhiêu học, dân gian gọi là Nhiêu. Ông Nhiêu là người có công sửa sang kênh để phục vụ giao thông đường thủy nên người dân lấy tên của ông đặt cho tên kênh.

Theo nhà văn Sơn Nam, kênh Thị Nghè xưa ăn thông lên đến Bàu Cát (Q.Tân Bình). Đây là nơi Nguyễn Ánh thường trú binh lực trước khi đánh Gia Định. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kênh đã chứng kiến nhiều trận đánh đi vào lịch sữ, nổi bật nhất là các trận tại cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý...

Hai bên bờ kênh là nơi lý tưởng để người dân nghỉ ngơi, đi dạo, luyện tập thể dục, thể thao...

Hai bên bờ kênh là nơi lý tưởng để người dân nghỉ ngơi, đi dạo, luyện tập thể dục, thể thao...

Dòng kênh bị "bức tử"

Thời trước, NL - TN là con kênh nên thơ, thoáng đãng bậc nhất Sài Gòn. Trong bài Phú cổ Gia Định do Vương Hồng Sển sưu tầm từng miêu tả: "Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải/Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai...".

Bà Lê Thị Hoa (70 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) - một người dân cố cựu sống trên kênh NL - TN nhớ lại rằng, hồi ấy con kênh này rộng thênh thang, nước trong xanh mát rượi có thể dùng để nấu ăn được. Đám trẻ con thường ra kênh bơi lội, câu cá, hái rau, bắt ốc, tàu ghe chở củi, trái cây, lu ghè... qua lại nườm nượp.

Nhờ có vị trí giao thông thuận lợi, giao thương phát triển, kênh NL - TN nhanh chống thu hút người dân khắp nơi đến cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, từ thập niên 60 của thế kỷ trước, con kênh này bắt đầu bị lấn chiếm, rác rưởi vứt xả bừa bãi khiến nó dần dần bị ô nhiễm.

Vào những năm 1970, người dân các tỉnh đổ về kênh NL - TN dựng nhà sinh sống ngày càng đông. Nhớ về thời kỳ kênh NL - TN bị lấn chiếm vô tội vạ, ông Lê Văn Hiền (75 tuổi, ngụ Q3) kể, người ta kéo đến ở dọc hai bờ kênh đông nghịt. Chỉ cần ít tấm tôn, vài tấm bạt, mấy chục cây tầm vong, cừ tràm là họ có một căn chòi, căn nhà bên bờ kênh. Nhiều căn chỉ 5 - 7m2 nhưng có gần chục người chen chúc nhau. Lúc đầu họ làm sát mé kênh, dần dần họ đóng cọc, cơi nới lấn ra giữa dòng khiến con kênh bị "teo tóp". Trong quá trình sinh sống, nhiều hộ còn nuôi heo, gà, vịt, làm "cầu tỏm" ngay trên kênh. Dọc hai bên bờ kênh còn có các xưởng dệt, xưởng nhuộm. Tại khu vực cầu Lê Văn Sỹ (Q3), còn có nhiều lò giết mổ gia súc, gia cầm, mỗi ngày có chục con trâu, bò cùng hàng trăm con gà, vịt bị "hóa kiếp". Rác, chất thải sinh hoạt, chất thải động vật và nước thải từ những lò giết mổ, xưởng nhuộm, xưởng dệt đua nhau đổ xuống kênh khiến nó "ngộp thở".

Đến những năm 80, 90 hai bên bờ kênh, nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. Chất thải từ các nhà hàng, quán sá xả thẳng vào dòng nước khiến con kênh càng thêm "ngắc ngoải". Nước kênh đen ngòm, thối um xộc lên tra tấn người dân đôi bờ và người đi đường. Hai bên bờ kênh, nhiều chỗ biến thành ao tù nước đọng, xà bần, rác thải nằm ngổn ngang, ruồi muỗi, chuột bọ hoành hành, phát sinh dịch bệnh. Nhiều gia đình có con nhỏ sống ven kênh thường xuyên bị các bệnh về hô hấp, ngoài da, đường ruột, trị mãi không khỏi. Vào thời điểm ấy, nhắc đến kênh NL - TN, người ta nghĩ đến ngay một con kênh đen sì, hôi thối, rác nổi lềnh bềnh, ô nhiễm không tả siết.

Bến thuyền Phụng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Bến thuyền Phụng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Hồi sinh thần kỳ

Để "giải cứu" kênh NL - TN, đầu những năm 1990, TPHCM có kế hoạch xây dựng, cải tạo, nhưng do ngân sách eo hẹp nên dự án chưa được triển khai. Từ năm 1993 - 1998, chính quyền TP bắt đầu chỉnh trang tuyến kênh, giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp và làm 2 tuyến đường chạy song song dọc hai bên kênh. Để thực hiện dự án trọng điểm này, hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người phải di dời.

Năm 2003, kế hoạch "hồi sinh" kênh NL - TN được TP tiếp tục thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực NL - TN. Dự án có tổng vốn đầu tư 316,79 triệu USD, trong đó có 293,94 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, phần còn lại là vốn đối ứng của TPHCM. Các hạng mục chính của dự án bao gồm: nạo vét gần 1,1 triệu m3 bùn đất, lắp đặt gần 16km bờ kè, gia cố cầu, lắp đặt khoảng 70km tuyến cống hộp trên 69 tuyến đường hai bên kênh, thi công tuyến cống bao dài 8,9km, đường kính 2,5 - 3m chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải... Khi dự án đi vào vận hành, kênh NL - TN chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn, toàn bộ nước thải sinh hoạt sẽ được gom vào tuyến cống bao chảy thẳng về trạm bơm xử lý, nhờ đó nước kênh dần trong xanh trở lại.

Để chỉnh trang cảnh quan 2 bên dòng kênh, TP đầu tư hơn 550 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa dài khoảng 15km từ đường Út Tịch (Q.Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q1) với mục tiêu biến 2 con đường này trở thành tuyến đường đẹp của TP. Mặt đường bằng phẳng, vỉa hè lót đá, lắp đặt đèn chiếu sáng, lối đi bộ thoáng đãng. Hai bên đường có công viên, cây xanh, hoa và tiểu cảnh giúp tạo bóng mát, thanh lọc không khí và tăng mỹ quan đô thị. Ngoài ra, TP lắp đặt hệ thống dụng cụ phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân.

Ông Nguyễn Văn Trí, (65 tuổi, ngụ Q1) chia sẻ, có nằm mơ ông cũng không tin kênh NL - TN có được như ngày hôm nay. Từ khi con kênh được cải tạo, ngày nào ông và nhiều người dân khác thường xuyên ra bờ kênh tập thể dục, đi bộ ngắm cảnh, tận hưởng không khí trong lành; đám trẻ con cũng thường ra bờ kênh nô đùa thư giãn...

Với mong muốn tạo ra một sản phảm du lịch mới lạ, ngày 01/9/2015, Sở Du lịch và Sở GTVT TP chính thức khai trương tuyến du lịch bằng thuyền Phụng đưa khách tham quan du ngoạn trên kênh NL - TN.

Giờ đây, mỗi khi lưu thông trên dòng kênh này, người dân không khó để cảm nhận luồng không khí trong lành mát mẻ, một không gian đô thị khang trang hiện đại trên bến dưới thuyền, những ngôi nhà cao tầng, chung cư cao cấp thay thế những ngôi nhà lá lụp xụp báo hiệu sự hồi sinh thần kỳ.

(Còn tiếp...)

DUY LUÂN - HẢI VĂN - VĂN CƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-1-kenh-nhieu-loc-thi-nghe-duoc-hoi-sinh-tu-coi-chet_176657.html