Kỳ 1: Khi TikToker 'ngáo quyền lực'
Với các clip ngắn chỉ khoảng 15 giây, nền tảng TikTok là miền đất hứa cho nhiều người có được sự nổi tiếng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến sự bão hòa của danh xưng 'ngôi sao mạng'. Đồng thời, hào quang ảo trên nền tảng này cũng khiến không ít tiktoker mắc 'căn bệnh ngáo quyền lực'.
Căn bệnh “ngáo quyền lực” của TikToker tại Việt Nam và làn sóng tẩy chay:
Một nghiên cứu chỉ ra rằng: “TikTok tạo ra cỗ máy sản xuất người nổi tiếng hoạt động nhanh và mạnh mẽ hơn bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào trước đó. Nó biến các thanh thiếu niên vô danh thành “ngôi sao mạng” chỉ trong vài tuần, đôi khi là vài ngày”.
Sở hữu kênh TikTok với hàng triệu lượt follow (theo dõi), các tiktoker không chỉ kiếm được rất nhiều tiền mà họ còn có được cả sự nổi tiếng. Với lượng người theo dõi lớn, dĩ nhiên sức ảnh hưởng của họ là không hề nhỏ.
Nhưng cùng với đó, sự ngưỡng mộ của cư dân mạng cũng khiến một bộ phận tiktoker trở nên tự cao, tự huyễn hoặc mình và nhanh chóng rơi vào căn bệnh “ngáo quyền lực”. Họ tự cho rằng bản thân đã làm được điều gì đó ghê gớm, tự cho họ cái quyền phán xét trong tay, tự đưa mình lên hạng như những ngôi sao hạng A. Thậm chí còn ảo tưởng bản thân đủ “quyền lực” để ban phát hạnh phúc cho người khác.
Nờ Ô Nô: Đi làm từ thiện nhưng như ban ơn
Đơn cử, “hot TikToker” Nờ Ô Nô đã từng nhận một làn sóng tẩy chay đến từ cộng đồng mạng. Nguyên nhân của câu chuyện bắt đầu từ series lan tỏa việc tử tế với tên gọi “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó”, do chính TikToker này thực hiện.
Giống như tên gọi, nội dung chính của loạt video này là những câu chuyện gặp gỡ và làm từ thiện của Nờ Ô Nô. Tuy xuất phát điểm đến từ một việc làm tử tế, thế nhưng thái độ, lời nói và hành động trong clip của Nờ Ô Nô lại khiến dân mạng trở nên phẫn nộ.
Đặc biệt, đoạn video ghi lại hình ảnh Nờ Ô Nô đi làm từ thiện với nhân vật chính là một bà lão cao tuổi tại TP HCM mới thực sự là “giọt nước tràn ly”.
Mở đầu đoạn clip, Nờ Ô Nô đã bắt đầu bằng một câu nói khiến nhiều người không khỏi giật mình.
“Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn, “Nờ Ô Nô nói. Chưa dừng lại ở đây, Nờ Ô Nô còn có nhiều câu nói khiến dân mạng bức xúc như “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Vậy thôi khỏi ăn”...
Phần lớn ý kiến đều cho rằng, dù làm từ thiện, của cho không bằng cách cho, do vậy hành động của Nờ Ô Nô là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, nhiều người còn đánh giá các clip của Nờ Ô Nô là những nội dung “bẩn”, được cố tình thực hiện nhằm câu view và đánh bóng tên tuổi.
Võ Thành Ý chê cát xê 3 - 4 triệu đồng
Tháng 4/2023, mạng xã hội liên tục nhấn nút chia sẻ ảnh chụp màn hình dòng trạng thái của TikToker Võ Thành Ý, có nội dung: “Kênh TikTok 12 triệu followers đi trả giá quay 3-4 triệu đồng/clip thì tốt nhất mình nên lấy 3-4 triệu đồng đó về mua đồ nướng ăn xong ngủ mơ giúp em”.
Hành động của nam TikToker nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Nhiều người cho rằng, anh “ảo tưởng sức mạnh”, “tự nghĩ mình cao giá” hay “ngáo quyền lực”. Số khác nhận định, việc dựa vào lượt theo dõi để chê cát-xê chẳng khác gì lợi dụng khán giả.
Ngay sau đó, mặc dù đã đăng lời xin lỗi, nhưng Thành Ý vẫn chưa thể xoa dịu dư luận. Một bộ phận người dùng mạng đã hủy theo dõi kênh của anh.
Review quán ăn hay cố tình “đạp đổ chén cơm” của người khác
Đã có khoảng thời gian nghề review (đánh giá) quán ăn, nhà hàng, khách sạn, địa điểm ăn chơi trở thành một nghề “hốt bạc” của các TikToker. Rất nhiều người nhanh chóng trở thành cái tên hot, được các tín đồ hâm mộ săn đón, được các nhà hàng quán ăn thuê về review với mức giá quảng cáo “khủng”.
Thế nhưng, với nhiều TikToker không bằng cấp, không chuyên môn nhưng lại có lượng fan theo dõi đông đảo thế là tự huyễn hoặc mình thành reviewer. May mắn, cũng như việc review một cách tùy tiện âu cũng là một “sự lạ”. Đương nhiên, “sự lạ” đó hút khá nhiều lượng người theo dõi, vậy là những danh xưng “chiến thần review”, “chuyên gia ẩm thực”, “thánh ăn”, “reviewer xéo xắt” tràn ngập mạng xã hội.
Có lẽ việc kiếm tiền quá dễ dàng trên nền tảng mạng xã hội cùng những lời ca tụng “trên mây” của fan hâm mộ khiến giới trẻ dần ngộ nhận về bản thân và quyền lực mạng xã hội của mình. Thay vì đánh giá tích cực, review đơn thuần bằng cảm xúc chủ quan, hay bằng cách nhận tiền thuê thì giờ đây, các “chiến thần review” lại lợi dụng sự nổi tiếng sẵn sàng mưu toan bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác. Đó cũng là biểu hiện của thói “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội.
Đơn cử, TikToker “Cô gái có râu” từng gây xôn xao khi đưa ra những nhận xét tiêu cực về một quán chè C.H. Sau đó, hai bên liên tục đấu tố qua lại và đẩy sự việc căng thẳng trong một thời gian dài.
Hoặc như, không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để đưa ra những phán xét vô căn cứ, phô trương quyền lực của mình trên không gian mạng.
Thực tế, việc lạm dụng “quyền lực” trên không gian mạng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều các TikToker đang bị nhầm lẫn giữa review và “bóc phốt”.
Độ ngon của món ăn có thể phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người, tuy nhiên, nhiều món ăn của các nhà hàng, quán ăn qua bàn tay review của các TikToker đều bỗng chốc có thể biến thành món ăn thị phi - bất chấp việc review này là quan điểm cá nhân và tùy gu từng người.
Võ Hà Linh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua. Nổi tiếng với các video review mỹ phẩm, đồ ăn, Võ Hà Linh sở hữu hơn 3,6 triệu lượt theo dõi trên nền tảng Tiktok. Cô nổi tiếng với biệt danh “chiến thần review” vì thường xuyên lên những video đánh giá mỹ phẩm, ẩm thực. Hầu hết phiên livestream của cô đều thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem và bán hết sạch hàng.
Nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội, tần suất xuất hiện của nữ TikToker này dày đặc cũng là lúc Linh thể hiện quyền lực mạng bằng cách ra sức chê bai các quán ăn, nhà hàng Linh từng đến mà không cần biết thực sự quán ăn đó làm ăn, kinh doanh ra sao.
Nhiều người cho rằng, đánh giá của Hà Linh quá phiến diện và TikToker này cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review. Chẳng hạn khi ăn thử món súp hải sản, cô liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua…
Còn rất nhiều minh chứng cho thấy một bộ phận TikToker hiện nay vô cùng ảo tưởng sức mạnh. Chỉ nhờ vào một số lượng người dùng theo dõi, họ nghiễm nhiên tự cho “ta đây là nhất”, là người có sức ảnh hưởng, có “quyền lực” và buộc người khác phải răm rắp nghe lời.
(Còn nữa)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-khi-tiktoker-ngao-quyen-luc-340872.html