Kỳ 1: Nằm rừng

Nghề báo được xem là một nghề nguy hiểm, đặc biệt là đối với phóng viên lĩnh vực điều tra, phản ánh. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin kể lại một vài câu chuyện trên bước đường làm báo, nhằm mục đích giải trí và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.

Hầu như tôi rất "có duyên" với các bài điều tra viết về lâm tặc, cát tặc, đất tặc, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường và một số đề tài khác mang đậm chất phản ánh. Mỗi tác phẩm báo chí tôi viết về những đề tài này, ít hoặc nhiều đều có tình huống nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, như câu chuyện nằm rừng tôi kể dưới đây.

Lạc giữa rừng xanh

Vì một số lý do tế nhị liên quan đến câu chuyện, tôi không nêu tên thật của mình trong bài viết, rất mong bạn đọc thông cảm. Tôi về làm tại Báo Tây Ninh từ năm 2015, đến nay, đã có 9 năm kinh nghiệm làm báo ở tỉnh nhà (từ năm 2008 đến cuối năm 2014, tôi làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Còn nhớ, tháng 11.2017, Báo Tây Ninh có đăng bài “Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Con voi chui lọt lỗ kim”. Bài báo phản ánh tình trạng rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng thường xuyên bị lâm tặc tàn phá, cụ thể là tại một số điểm thuộc tiểu khu 58, 59, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Điều đáng nói, hành vi trộm cắp cây rừng vào thời điểm đó diễn ra theo chiều hướng ngày càng manh động, thậm chí gần khu vực có chốt bảo vệ rừng.

Sau khi nhận được tin báo từ người dân địa phương về tình trạng phá rừng nêu trên, tôi liền lên đường tìm đến khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Để thực hiện được đề tài này, tôi phải mất thời gian 2 ngày và 1 đêm trong rừng.

Tác giả đang trên đường băng qua suối để đến rừng phòng hộ Dầu Tiếng (ảnh do người dân chụp trước khi tiến vào rừng)

Tác giả đang trên đường băng qua suối để đến rừng phòng hộ Dầu Tiếng (ảnh do người dân chụp trước khi tiến vào rừng)

Các điểm bị mất cây nằm cách xa nhau, trong khi những người báo tin không muốn đồng hành cùng phóng viên do lo sợ hậu quả. Người dân chỉ vẽ sơ đồ bằng tay trên tờ giấy tập học sinh, khoanh vùng các điểm cần đến cho phóng viên nắm và tự đi tác nghiệp.

Ngày đầu tiên, tôi chạy xe tới rừng lúc khoảng 13 giờ. Vào vai người dân đi bắt ong, tôi chạy lòng vòng trong rừng để tìm các điểm mà người dân đã khoanh vùng. Do không rành địa bàn, tôi đã đi lạc trong rừng qua nhiều giờ đồng hồ mà không tìm được lối ra. Đường rừng quanh co, nhiều nhánh rẽ kiểu hình xương cá, một nhánh rẽ như vậy dài từ 2-3km. Tôi phải mất rất nhiều thời gian để chạy vào những đường cùng rồi lại quay trở ra, bẻ nhánh cây làm dấu nhằm tránh đi lập lại đường cũ.

Một tình huống quan trọng mà tôi đã bỏ sót khi lên kế hoạch tác nghiệp là trong rừng không có sóng điện thoại, không thể nhờ người dân hỗ trợ khi có biến cố xảy ra. Một người bị lạc quá lâu trong rừng quả thật rất bất an, trong khi từng phút trôi qua trong rừng trời càng sập tối, tĩnh lặng, tâm lý có phần hoang mang.

Thật ra, sơ đồ được vẽ bằng tay đó chỉ có hiệu quả đối với người quen thuộc địa hình, riêng đối với tôi là người mới vào rừng thì đường nào cũng giống như nhau, với bạt ngàn tán cây che phủ trên đầu thì việc khoanh vùng là vô ích.

Trong khi đi lạc, tôi tình cờ phát hiện ra vài điểm có cây rừng bị cưa hạ. Dấu lâm tặc cưa cây vẫn còn mới, dẫu sao cũng là mục tiêu đang cần tìm nên tôi đã tranh thủ ghi hình, mãi mê tác nghiệp đến khi trời tối hẳn. Lúc đó, tôi thầm nghĩ trời sáng vẫn không tìm được lối ra huống chi trời tối, nếu cứ cố gắng tìm lối ra chẳng khác nào tự đặt mình vào thế khó, nhất là khi xe đã sắp hết xăng. Thế là, tôi quyết định đẩy xe cách xa lối mòn khoảng 30m, mắc võng mùng nằm qua đêm trong rừng.

Xe bị gãy chân thắng do vướng gốc cây, phóng viên dùng dây leo trong rừng buộc tạm

Xe bị gãy chân thắng do vướng gốc cây, phóng viên dùng dây leo trong rừng buộc tạm

Đêm đó, tôi mệt lả người, chỉ ăn được một gói mì khô và uống nửa chai nước suối đã chuẩn bị sẵn trong túi rút (không dùng ba lô vì dễ bị lộ). Dù rất mệt nhưng tôi không thể nào ngủ được, nằm trong võng giữa rừng nghe rắn lục huýt gió, đàn mối và kiến đất bò rào rào trên lớp lá ủ dưới võng, tiếng chim cú kêu thất thanh trong không gian tĩnh mịch, cùng nhiều thứ âm thanh đặc trưng khác của rừng xanh rộng lớn.

Ứng phó với lâm tặc

Gần 5 giờ sáng, tôi mới chợp mắt được một lúc, bất ngờ có nhiều tiếng xe mô tô chạy vào điểm có lán cây bị cưa hạ trước đó, lúc này khoảng 6 giờ sáng.

Tôi liền bật dậy, cuốn võng, dẫn xe ra cặp lối đường mòn và để chỗ khuất, quay đầu xe về hướng đầu đường, ngồi quan sát tình hình trong điều kiện tầm nhìn rất hạn chế do có nhiều cây rừng che khuất.

Đến khoảng 7 giờ, tôi lần mò đến gần điểm mà các lâm tặc đang dùng cưa điện để phân đoạn những thân cây đã cưa ngã từ trước. Thời điểm đó, tôi còn dùng máy chụp hình nhỏ cầm tay, loại thường dùng để đi du lịch, do anh bạn đồng nghiệp cho mượn. Độ phân giải và khoảng cách zoom của máy này rất hạn chế. Thế nên, tôi buộc phải tiến lại gần bọn lâm tặc.

Khi đến khoảng cách hợp lý, tôi định lấy máy chụp hình từ trong túi rút ra để tác nghiệp thì bất chợt suy nghĩ lại. Do tôi quan sát thấy có 4 xe mô tô để gần đó nhưng chỉ có 3 người đang cưa cây, chắc chắn sẽ có thêm người đi chung trong nhóm này, tôi đành tiếp tục ngồi quan sát.

Tuy nhiên, tôi chờ khoảng 10 phút trôi qua mà vẫn không thấy có thêm người xuất hiện. Nóng lòng, tôi quyết định dùng điện thoại để ghi hình. Tôi không dùng máy chụp hình trong trường hợp này là do phải đề phòng khi có người phát hiện sẽ dễ ứng phó hơn, nhất là đối với người vắng mặt mà tôi đang cảnh giác.

Một kiểu hóa trang thành dân chuyên đi bắt ong trong rừng

Một kiểu hóa trang thành dân chuyên đi bắt ong trong rừng

Quả nhiên không ngoài dự đoán, tôi đang loay hoay tìm góc tránh né các vật cản trước camera điện thoại thì có tiếng bước chân nhẹ nhàng giẫm đạp lên lớp lá khô từ phía sau lưng tôi bước tới. Một giọng nói đàn ông chậm rãi cất lên: “mầy đang quay cái gì vậy?”.

Tức thì, tôi biết mình bị lộ, vô thế “lỡ leo lưng cọp” đành chỉ còn biết trông chờ vào vai diễn của mình. Tôi quyết định tập trung hạ độ cao camera điện thoại xuống tầm gần mặt đất, không quay mặt lại nhìn người đàn ông, lia máy nhẹ sang cục gò mối ngay trước mặt và nói lớn: “im, im, tôi đang quay con rắn hổ dện mới bò vào hang dưới cục gò mối, để cho mấy thằng đi bắt ong chung xem video và lại đào, tụi nó đang ở gần đây nè”.

Nói xong, tôi vẫn không quay lại nhìn người đàn ông, tiến thẳng đến cục gò mối, gom lá cây vo tròn nhét mấy cái lổ hang chuột xung quanh gò mối, rồi mới quay lại nhìn người đang đứng phía sau lưng mình.

Người này cao to, da ngâm đen, trạc gần 50 tuổi, trên tay đang cầm cây rựa loại bản lưỡi lớn dùng để chặt cây rừng. Tôi liền nhanh nhảo hỏi: “thời điểm này có tiễn được cội (tiếng lóng của dân trong nghề phá rừng, ý nói những cây gỗ to và có giá trị) nào ngon không anh?”. Người đàn ông lưỡng lự chưa kịp trả lời thì tôi liền móc gói thuốc lá từ trong túi áo ra mời một điếu, ông nhận lấy điếu thuốc và trả lời: “rừng này giờ chỉ còn mấy gốc giáng hương cỡ nhỏ”.

Người đàn ông đốt điếu thuốc hút, 3 người đang cưa cây gần đó nghe có tiếng người nói chuyện liền tập trung hết lại chỗ tôi đứng. Người cầm rựa liếc mắt nhìn đồng bọn nói: “mấy tay đi bắt ong, tạm nghĩ uống nước chút rồi làm tiếp”.

Qua trao đổi một lúc với những người này, tôi biết thêm nhiều vấn đề liên quan tới việc số cây trộm được sẽ bán về đâu, làm sao để đưa cây ra khỏi rừng an toàn… Để tránh rơi vào tình huống “đêm dài lắm mộng”, tôi vờ đi rủ mấy thằng bạn bắt ong lại đào rắn (sự thật là chỉ có một mình tôi đi lạc vào đây), sẵn tiện hỏi khéo đường ra khỏi rừng. “Hồi sáng mấy anh đi từ hướng hồ Dầu Tiếng ngược lên đây hay từ Suối Bà Chiêm vào, tôi đi đò từ hướng hồ tới đây nên hơi xa”- tôi hỏi trổng như vậy.

Có người trong nhóm đó trả lời: “Chút về, mấy ông cứ chạy theo dấu bánh xe của tụi tui là ra đến khu dân cư ấp Suối Bà Chiêm cho gần”. Quả thật, đây là câu nói mà tôi đang rất cần cho tình thế bị đi lạc giữa rừng trong một ngày và đêm qua. Tôi liền quay về lấy xe nơi cất giấu, lần mò chạy theo đường có dấu bánh xe của lâm tặc. Khoảng 40 phút sau, tôi đã thông ra được khu dân cư ấp Suối Bà Chiêm, thật sự mừng vô kể.

Sau khi báo đăng, nhiều vụ phát rừng phòng hộ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Từ đó, tôi đã bắt đầu bén duyên với khu rừng này.

Minh Quốc

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-nam-rung-a174390.html