Kỳ 1: Nên có cơ chế ưu đãi cho phim Việt?
Có nên bỏ quy định sản xuất phim phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim hay không? Việc phân định trách nhiệm quản lý phát hành phim, quy định tỷ lệ chiếu phim cho từng phòng chiếu theo khung thời gian liệu có khả thi? Đó là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu thực tế: Trong đàm phán gia nhập WTO đã bỏ quy định hạn ngạch phim nhập khẩu, tạo điều kiện cho các công ty điện ảnh liên doanh với nước ngoài hiện nay thoải mái nhập phim vào Việt Nam và cùng với đó họ tăng tốc đầu tư xây dựng các cụm rạp hiện đại ở đô thị lớn để chiếu chủ yếu loại phim này.
Từ đó, ông kiến nghị: Để khắc phục lỗ hổng này, cần “gài” thêm vào Luật Điện ảnh (sửa đổi), hoặc văn bản có tính pháp quy hướng dẫn thi hành Luật một số quy định có tính “rào cản kỹ thuật” như có quy định các công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam về đề tài, vấn đề của Việt Nam; yêu cầu thực hiện đúng Luật Đầu tư khi thành lập; tăng dần tỷ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030…
Ông Đặng Xuân Hải lo ngại, mỗi năm có trên 250 phim ngoại nhập, đây là mối nguy cơ đe dọa văn hóa truyền thống. “Phim Việt ngày càng lép vế khi các cụm rạp bố trí giờ chiếu chưa phù hợp, đau khổ hơn là vào các khung giờ hiểm như 9h sáng, 12h trưa, chiếu các ngày trong tuần. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra”, ông Hải nói. Ông cũng lưu ý, nhiễm độc thực phẩm thì chỉ mất thời gian khắc phục 5-7 ngày, nhưng “nhiễm độc” văn hóa thì khó khắc phục vô cùng. Theo ông, trọng trách của Luật Điện ảnh sửa đổi lần này là phải “gánh vác” cho được vấn đề đó. Dù hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng điện ảnh Việt Nam phải được cảnh tỉnh để không là “kẻ bưng bê” cho cơ chế thị trường.
Ông Đặng Xuân Hải cũng cho rằng, Luật Điện ảnh sửa đổi cần quy định tỉ lệ phim Việt chiếu rạp một cách cụ thể, rõ ràng hơn, thậm chí quy định cả thời gian. Hiện nay, các rạp chỉ chiếu cho phim Việt vào chiếu vào các giờ không đông khách, các ngày làm việc… "Họ không chiếu phim Việt vào giờ vàng, rồi lại chọn các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 5 để chiếu phim, rồi họ quy chụp rằng phim Việt không thể thu hút được khán giả, chỉ chiếu vài suất rồi dừng"- ông Hải cho biết. Rõ ràng, thực tế đòi hỏi phải có cơ chế ưu đãi cho phim Việt để chúng ta không thua ngay trên sân nhà.
Theo ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nếu sửa đổi Luật Điện ảnh mà không thay đổi quan điểm nhìn nhận thì rất khó. Xã hội phát triển nhưng nhận thức và quản lý lại chưa theo kịp. Sự thay đổi công nghệ điện ảnh khiến điện ảnh Việt gần như rơi xuống đáy. Ông Dương cho rằng, một cụm rạp nên có ba phòng chiếu trở lên, nay chủ trương chỉ giữ lại một phòng là chưa hợp lý. Cứ đà này vài năm nữa doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 90% số rạp cả nước.
Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Ngân cũng nhấn mạnh rằng, số lượng phim Việt sản xuất ở thời điểm hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu phổ biến theo tháng, quý, năm… Do đó, các nhà phát hành buộc phải lựa chọn phim nhập khẩu để duy trì hoạt động của mình. “Chất lượng phim Việt Nam chưa đảm bảo để đáp ứng được nhu cầu của khán giả… Số lượng phim Việt ra rạp trong 3 năm gần đây trung bình khoảng 40 phim/năm. Tuy nhiên, số phim thành công và hòa vốn chỉ chiếm 1/3, còn lại là lỗ vốn. Có những buổi chiếu phim Việt chỉ đạt dưới 5 khán giả hoặc phía rạp phải hủy bỏ suất chiếu. Vì thế, việc quy định tỉ lệ chiếu phim Việt cũng cần phải được xây dựng dựa trên những tiêu chí cụ thể và hài hòa”, đại diện đơn vị phát hành này bày tỏ.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD đề xuất khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội sản xuất phim, thúc đẩy điện ảnh là xu thế tất yếu, tuy nhiên nhiều hãng phim kêu khó do chính sách ưu đãi chưa nhiều. “Đầu tư hơn chục tỉ đồng làm phim mà “chết” thì không ai còn động lực tiếp tục nữa. “Sản xuất phim lại không có cách nào vay vốn ở ngân hàng, vì tài sản vô hình ở Việt Nam chưa được coi là tài sản…”, bà Hạnh nêu.
Tăng dần tỉ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: Đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 ít nhất là 45%.
Theo nhiều chuyên gia, trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỉ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với khán giả.
Nhắc lại vụ việc Cô Ba Sài Gòn bị xâm phạm bản quyền khi vừa ra rạp, bà Hạnh cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ cần được Luật điều chỉnh bằng những quy định chặt chẽ: “Ăn trộm chiếc xe máy thì bị đi tù, nhưng quay trộm bộ phim rồi đưa lên mạng thì nhà sản xuất chỉ biết khóc ròng. Sản xuất phim đầu tư rất nhiều tiền, nhưng vấn đề bảo hộ chất xám, bản quyền lại dường như bị xem nhẹ, khiến ít người dám đầu tư”.
Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp thì cho rằng, hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim… không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, mức xử phạt thấp, chưa bảo đảm được tính răn đe. Cùng với đó, mặc dù chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh đã được đề cập tại Luật Điện ảnh hiện hành song thực tế các nhà quản lý vẫn chưa sẵn sàng “san sẻ” quyền tự quyết cho các cơ sở điện ảnh. Một số quy định của Luật Điện ảnh còn chưa bảo đảm tính khả thi, còn quá tập trung vào công tác quản lý Nhà nước mà chưa có các quy định cụ thể về biện pháp mang tính phát triển trong hoạt động điện ảnh.
Về Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), các đại biểu đều đánh giá, luật đã tạo nên hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam. Qua 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến. Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây tăng trung bình từ 25 - 30% năm. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số được sản xuất bằng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong thời đại khoa học kỹ thuật bùng nổ, Luật Điện ảnh bộc lộ một số hạn chế, bất cập, lạc hậu không phù hợp với thực tế.
Nhấn mạnh chất lượng phim luôn là yếu tố tiên quyết, nhưng nhiều nhà điện ảnh Việt cũng cho rằng, Luật sửa đổi cần có quy định rào cản chặt chẽ hơn, khống chế ngày, giờ vàng và tỉ lệ chiếu phim Việt. Cụ thể, tăng dần tỉ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: Đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 ít nhất là 45%. Theo nhiều chuyên gia, trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỉ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với khán giả.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nen-co-co-che-uu-dai-cho-phim-viet-96610.html