Kỳ 1: 'Ngại' khi bước chân vào nhà vệ sinh công cộng
Thời gan gần đây, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng xuống cấp, hỏng hóc, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng của người dân cũng như mỹ quan đô thị. Sâu xa hơn, thực trạng này còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh một Thủ đô du lịch, TP sáng tạo mà Hà Nội đã và đang nỗ lực phấn đấu.
Để nhà vệ sinh công cộng trở thành điểm mạnh trong mục tiêu "Vì môi trường xanh – sạch – đẹp" của Thủ đô:
Nồng nặc mùi xú uế nhưng vẫn tận dụng bán hàng
Ám ánh, kinh hoàng, sợ hãi, không thể chịu được,… là những cảm xúc của nhiều người dân khi bước chân vào nhiều nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội. Không chỉ nồng nặc mùi xú uế, hôi thối mà cảnh tượng của những nhà vệ sinh này cũng dễ khiến nhiều người dân “chạy mất dép”, thà nhịn về nhà hoặc vào cửa hàng, quán cà phê bên đường, mất khoản tiền mua đồ nhưng đi vệ sinh sạch sẽ, thoải mái hơn.
Theo ghi nhận của PV tại một nhà vệ sinh công cộng cạnh bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhà vệ sinh công cộng này bị cỏ cây mọc um tùm, che khuất khiến người đi đường rất khó phát hiện để sử dụng. Phí đi vệ sinh là 3.000-5.000 đồng/lượt. Phía trong nhà vệ sinh có diện tích rất hẹp, thiết bị xuống cấp, hệ thống nước không có, phải múc ra chậu, sau khi đi vệ sinh xong thì xối thẳng vào bồn, cộng với đó là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đáng nói là phía sau nhà vệ sinh này, nhân viên trông giữ đã tận dụng để bán nước, đồ ăn,…rất mất vệ sinh.
Chị Hoàng Thị Hồng - một người dân gần khu vực này chia sẻ: “Nhiều lần tôi có việc đưa đón người nhà ở bến xe Mỹ Đình, vì mắc vệ sinh nên đành đi tìm nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, khi bước vào trong thì tôi sợ hãi vì mùi xú uế cùng cảnh tượng hãi hùng bởi chất thải tung tóe khắp sàn, có lẽ người đi vệ sinh trước dội nước không sạch và nhân viên trông nom nhà vệ sinh cũng không để ý để rửa dọn kịp thời cho khách mới. Tôi đành nhịn một mạch về nhà”.
Anh Hoàng Văn Hùng làm nghề xe ôm gần khu vực Mỹ Đình nhiều năm cho biết: “Tôi gần như có mặt ở khu vực bến xe Mỹ Đình cả ngày. Nhiều lúc mót đi vệ sinh nhưng không dám dùng nhà vệ sinh công cộng vì vào đó rất bẩn, hôi thối. Nhiều lần, khách hỏi gần đây có nhà vệ sinh nào không, tôi có chỉ cho khách nhưng họ vào rồi lại đi ra, đành phải chở họ vào chỗ mình thường đi vệ sinh nhờ. Nhiều người không chịu được còn đi vệ sinh bừa bãi bên lề đường, rất thiếu văn hóa và mất mỹ quan”.
Nhà vệ sinh bị bỏ hoang, hỏng hóc
Không ít nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội đang trong tình trạng bị bỏ hoang một cách phí phạm. Đơn cử như nhà vệ sinh công cộng trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) đã rơi vào tình trạng bỏ hoang không hoạt động. Trong khi một bên khóa trái thì bên còn lại bệ đi vệ sinh bị cáu bẩn, kèm theo mùi hôi khó chịu. Theo nhiều người dân khu vực này, đây là nhà vệ sinh đã bị bỏ hoang từ lâu, rất ít khi thấy người vào đây đi vệ sinh, nếu có thì cũng chỉ “đi bừa” ra bên ngoài vì bên trong quá bẩn.
Theo chia sẻ của một nhân viên trông nhà vệ sinh ở Hà Nội, chuyện mất trộm đồ trong nhà vệ sinh như bóng đèn, vòi xịt,… xảy ra thường xuyên. Thậm chí, trộm còn cắt cả thanh sắt trên mái nhà vệ sinh, gây thất thoát tài sản cũng như mất an toàn cho người sử dụng.
Việc nhà vệ sinh công cộng không đạt tiêu chuẩn, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh của Thủ đô, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Theo khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 TP du lịch trên thế giới, Hà Nội của Việt Nam có chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế rất thấp. Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66, cách khá xa các TP các nước trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) ở vị trí 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí 45. Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của các công trình nhà vệ sinh công cộng đối với cuộc sống người dân cũng như sự phát triển của Thủ đô. Đặc biệt, đó còn là tiêu chí quan trọng trong mục tiêu "Vì môi trường xanh – sạch – đẹp" của Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Gần 6 năm trước, Hà Nội đã triển khai kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, cả TP mới có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh, tập trung chủ yếu tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Đây là một con số rất ít so với quy mô Thủ đô với hơn 8 triệu dân sinh sống, nhu cầu sử dụng cao. Được biết, mỗi nhà vệ sinh công cộng được xây dựng với kinh phí từ 200 triệu đồng trở lên nhưng nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp, đồ đậc bị hỏng hóc, hoen gỉ, nền gạch ẩm mốc,… dẫn đến không thể sử dụng được hoặc có sử dụng nhưng chất lượng rất thấp.
(Còn nữa…)