Kỳ 1: Nghị quyết 05 - Đòn bẩy để nông nghiệp Ninh Bình 'chuyển mình' mạnh mẽ: Tư duy đột phá
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, nông nghiệp Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tư duy kinh tế nông nghiệp đang dần thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, khoa học công nghệ cao được ứng dụng nhanh vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Kỳ 2: Nghị quyết 05 - Đòn bẩy để nông nghiệp Ninh Bình: Công nghệ cao - sức bật cho ngành thủy sản "chuyển mình" mạnh mẽ
Nghị quyết 05 đã nêu quan điểm rất rõ ràng, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản và thu nhập của người nông dân trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đây là cách đặt vấn đề rất cụ thể, mục tiêu đi thẳng vào những "nút thắt" cần tháo gỡ của ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Đổi mới sản xuất, gia tăng giá trị ngành lúa gạo
Trước đây, mỗi khi vào mùa vụ gieo cấy, bà con nông dân xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) hết sức vất vả, nào là làm đất, ngâm ủ hạt giống, gieo cấy, phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường và sức khỏe người dân … Với những gia đình neo người, thiếu lao động, việc thuê mướn nhân công tốn kém mà không đảm bảo được thời vụ. Tuy nhiên, từ khi Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai Dự án sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với mạ khay, cấy máy mọi việc đã đổi khác. Bà con nông dân ở đây chẳng phải động tay, mọi việc đã có Tổ hợp tác lo, 3-4 ha ruộng chỉ cấy trong 1 ngày là xong. Ngoài ra, ở phương thức sản xuất mới này, thay vì bỏ ra 20 triệu đồng/ha/vụ mua đạm, lân, kali để bón, rồi phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu 3-4 lần/vụ vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến môi trường sống, nông dân đã chuyển sang dùng phân bón hữu cơ và các dòng thuốc BVTV sinh học, nhờ vậy môi trường đã được phục hồi nhanh chóng.
Ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho rằng: Dự án này là một mũi tên trúng 3 đích: Kinh tế, xã hội và môi trường. Năng suất lúa đảm bảo, chất lượng tăng lên, đây chính là điều kiện để lúa gạo của nông dân Khánh Trung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị.
Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh, ông Trần Ngọc Diệp thông tin thêm: Không chỉ riêng xã Khánh Trung, trên địa bàn huyện Yên Khánh hiện đã có nhiều xã, HTX ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, mang lại hiệu quả cao, như: HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành; HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc; HTX Nam Cường, xã Khánh Cường, HTX Khánh Công, HTX Khánh Thủy… Toàn huyện có trên 200 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và giá trị của loại lúa gạo này cao gấp 1,2 lần so với lúa sản xuất đại trà, được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt mua lúa tươi trước khi thu hoạch.
Nâng cao giá trị lúa gạo chính là nâng cao thu nhập cho đại bộ phận nông dân. Do vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp ưu tiên tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi giống và phương thức canh tác, giảm chi phí sản xuất, hướng nông dân vào sản xuất tập thể bằng các mô hình liên kết mới ở ngành này. Có thể thấy, lúa gạo Ninh Bình đã thực hiện cơ cấu lại đúng hướng và rất thành công dù những năm qua, diện tích lúa đã giảm để nhường chỗ cho các ngành kinh tế khác. Năng suất lúa đã có sự nhảy vọt. Chất lượng lúa gạo Ninh Bình ngày càng được khẳng định trên thị trường với việc tỷ lệ gieo cấy lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tăng nhanh. Năm 2016 diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao đạt khoảng 45% tổng diện tích gieo cấy (35,3 nghìn ha). Năm 2020 diện tích này đạt 50,7 nghìn ha, chiếm hơn 70% tổng diện tích, tăng gần 15,4 nghìn ha so với năm đầu thực hiện Nghị quyết. Năng suất lúa cũng tăng lên qua từng năm, năm 2020 đạt 61,08 tạ/ha, tăng 1,61 tạ/ha so với năm 2016.
Liên kết chuỗi - "con át chủ bài"
Cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra giá trị cao và bền vững cho nông sản, giải bài toán "được mùa mất giá" khiến không ít nông dân, HTX đau đầu trong thời gian qua. Từ thực tế này, Nghị quyết 05 xác định phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, trang trại, hộ sản xuất phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, trên nguyên tắc tự nguyện và hài hòa lợi ích của các thành viên tham gia. Qua đó, nâng dần tỷ lệ sản phẩm có liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Với mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín, từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ các mặt hàng nông sản, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đã từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất để gia tăng giá trị, phát triển nông nghiệp hiện đại. Lãnh đạo Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty đã ký kết với gần 2.000 hộ công nhân và nông dân tham gia sản xuất các loại nguyên liệu dứa Cayene, dứa Queen chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Sản lượng dứa sản xuất và thu mua tại tỉnh Ninh Bình bình quân hàng năm khoảng 50 nghìn tấn. Ngoài ra, đơn vị còn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương rau, hành, chuối... Điều này không chỉ giúp Công ty chủ động và đảm bảo được kế hoạch sản xuất mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào cho đến thành phẩm. Doanh thu của Công ty trong giai đoạn từ 2015-2020 tăng trưởng mạnh, tính riêng trong năm 2020 doanh thu đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm 75%, là đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu rau sang thị trường EU. Sự phát triển của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng nghìn người dân trong khu vực liên kết sản xuất.
Có thể nói sự tham gia ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như DOVECO đang trở thành động lực trong hình thành chuỗi giá trị nông sản với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn, tư vấn, tổ chức, thành lập được nhiều HTX ngành hàng, các tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 320 HTX nông nghiệp, hơn 100 HTX ngành hàng và trên 170 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ngành hàng như: Thủy sản, nấm, rau an toàn, sinh dược, cây ăn quả, chiếu cói, chế tác đá mỹ nghệ, chăn nuôi gia súc... Với tư cách pháp nhân hợp pháp, quy mô chuyên sâu, chuyên ngành từng lĩnh vực sản xuất, tổ hợp tác, HTX ngành hàng tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng gia tăng giá trị và lợi nhuận trên cơ sở giảm giá thành đầu vào, giảm các chi phí trung gian trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh.
HTX rau an toàn Khánh Thành bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất và giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã không ngừng phát triển, hoạt động có chiều sâu và quy mô hơn. Bình quân mỗi ngày HTX đưa ra thị trường hàng tấn nông sản, năng suất giá trị tăng 5 - 10 lần so với trồng lúa. Trong quá trình thực hiện, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nông sản của Khánh Thành đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản vùng I công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn ViepGAP. Các sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn bao gồm mướp nhật, bí xanh, dưa chuột, cải bó xôi, mướp đắng, cải các loại, hành... Từ đây, chất lượng sản phẩm được nâng cao, được đưa ra khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.
Bà Phạm Thị Quế, một thành viên của HTX chia sẻ: hơn 1 năm qua, dịch COVID-19 làm việc tiêu thụ nông sản gặp khó, tuy nhiên, nhờ có HTX đứng ra kết nối với các đầu mối thu mua mà nông sản của chúng tôi chưa khi nào bị ùn ứ, giá cả vẫn đảm bảo vì sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn.
Như vậy, 2 mục tiêu lớn nhất của liên kết chuỗi là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và giúp nông dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi đã bước đầu được giải quyết sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 05.