Kỳ 1: Người Chính ủy cận vệ và kỷ vật vô cùng quý giá của Bác Hồ
Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ cùng đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Trung ương giao phó là chuẩn bị cho công tác bảo vệ, gìn giữ lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Ngọc Mậu luôn đeo chiếc đồng hồ ấy và trái tim ông luôn đập theo nhịp đập của Người…
Trong quá trình nghiên cứu, tìm đọc những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo tại chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 tại chiến dịch Điện Biên Phủ do gia đình cung cấp, chúng tôi thấy có một kỷ vật hết sức đặc biệt, đó là chiếc đồng hồ có khắc tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung Quốc do Bác tặng cho Chính ủy Phạm Ngọc Mậu do những thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ…
Trong số các đại đoàn của bộ đội ta đánh Điện Biên Phủ, chỉ riêng Đại đoàn Công pháo 351 là không có Đại đoàn trưởng. Cán bộ cấp trưởng duy nhất của Đại đoàn là đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy.
Đúng như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký “Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử”, tinh hoa 9 năm kháng chiến của bộ đội ta tập trung hết trong chiến dịch Điện Biên Phủ; đã đánh là phải chắc thắng, không chắc thắng không đánh, vì thua là hết vốn. Đúng là vốn quý thật. Chúng tôi càng chắc chắn điều ấy khi xem Quyết định đề bạt đồng chí Phạm Ngọc Mậu làm Chính ủy Đại đoàn 351. Quyết định đề bạt cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam do đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng lao động Việt Nam ký. Lúc đó, quân đội ta chỉ có 7 đại đoàn thì tới 5 đại đoàn đã có mặt tại Điện Biên Phủ!
Lý lịch của ông ghi là sinh ngày 13/3/1919, tuy nhiên thực tế thì ngay bản thân ông và nhiều cán bộ, nhân dân ta ngày ấy cũng không rõ ngày sinh thực của mình. Sau này ông đã lấy ngày 13/3, ngày pháo binh ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ là ngày sinh của mình… Với những người chiến sỹ cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ngay cả ngày sinh, có lẽ cũng được lấy theo những sự kiện thiêng liêng của cách mạng, của đất nước…
Con đường kéo pháo gian khổ của bộ đội ta năm xưa, ngày hôm nay đã được lát xi măng bằng phẳng và ở đó có một tượng đài kỷ niệm đẹp và ý nghĩa. Tuy nhiên vẫn rất ngoằn nghoèo và trắc trở để lên được tới nơi. “Dốc ông Mậu” con dốc đẫm máu và mồ hôi ấy được bộ đội kéo pháo đặt tên theo tên gọi của người Chính ủy của mình, như vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng “Hò dô ta”, những hiệu lệnh đanh thép “Quyết không rời pháo, còn pháo là còn người”…
TỪ NGƯỜI CHÍNH ỦY “CẬN VỆ”…
Đồng chí Phạm Ngọc Mậu không có nhiều thời gian trực tiếp gần gũi với Bác Hồ nhưng ông luôn ở bên cạnh Người vào những thời khắc đặc biệt. Đầu năm 1949, ông được điều động về làm Chính ủy Trung đoàn 246, đây là trung đoàn chủ lực bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng chỉ huy và cơ quan đầu não của ta tại An toàn khu Việt Bắc và bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc. Ở tuổi 30, với cương vị Chính ủy, ông đã cùng Bộ Chỉ chỉ huy lãnh đạo Trung đoàn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bảo vệ an toàn cho Bác Hồ, các đồng chí lãnh tụ, các cơ quan Trung ương, địa phương, góp phần xây dựng vững chắc ATK.
Những chiến công của Trung đoàn đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chúng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ và cơ quan đầu não của Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp; Bảo vệ an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, tháng 2/1951. Đoàn đã vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Đoàn Tân Trào. Riêng Chính ủy Phạm Ngọc Mậu được tín nhiệm bầu vào đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Chiến khu. Ông vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ…
TỚI CHÍNH ỦY ĐẠI ĐOÀN “BINH CHỦNG HỢP THÀNH”…
Ngày 15 tháng 5 năm 1951, Tổng quân ủy quyết định đề bạt, bổ nhiệm ông làm Phó Chính ủy quyền Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 đồng thời làm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn. Đến ngày 19/5/1953, Ban Chấp hành Trung ương quyết định ông làm Chính ủy Đại đoàn 351.
351 có lẽ là Đại đoàn đặc biệt nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Phiên hiệu này hiện nay không còn tồn tại nữa. Bởi 351 là đại đoàn hợp thành, đơn vị tiền thân của 02 binh chủng Pháo binh, công binh và lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Cái tên Công Pháo có ý nghĩa như vậy.
Từ năm 1951 tới tháng 5 năm 1953, là giai đoạn chỉ có mình ông là chỉ huy cấp trưởng của Đại đoàn, đó là hai năm thử thách bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, chỉ huy của ông. Chỉ huy xây dựng một đơn vị hoàn toàn mới mẻ với nhiệm vụ rất quan trọng là học tập sử dụng lựu pháo ở Trung Quốc, xây dựng hai trung đoàn sơn pháo và công binh, xây dựng 4 tiểu đoàn cối và 4 đại đội cối 82mm để điều động cho các đại đoàn bộ binh đang rất cần hỏa lực chi viện trong thời kỳ này.
Các chiến dịch mà 351 tham gia như Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và thượng Lào đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và được khen thưởng huân chương cao quý. Tới giữa năm 1953, Đại đoàn được bổ sung thêm Đại đoàn phó Đào Văn Trường. Lúc bấy giờ ban chỉ huy Đại đoàn mới có hai người, Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy và Đào Văn Trường, Đại đoàn phó.
Lần này ông và đồng đội lại được gặp Bác Hồ vào mùa Hè năm 1953, tại khu rừng nứa huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Khi đó ông đang chỉ huy bộ đội xây dựng đơn vị hỏa lực đầu tiên của quân đội là Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Đại đoàn Công pháo 351. Chiến dịch Tây Bắc giành được thắng lợi, vào một buổi tối Bác và đồng chí Nguyễn Chí Thanh cưỡi ngựa đến thăm Đại đoàn 351.
Nghe tin Bác đến thăm đơn vị, Chính ủy Phạm Ngọc Mậu ra tận nơi đón Bác. Gặp Bác, anh em trong đơn vị không kìm được xúc động đồng thanh hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Nghe vậy, Bác rất vui và ân cần nhắc nhở: Các cô chú hãy hạ đuốc xuống kẻo cháy lán, cả doanh trại lại lộ bí mật, địch đến đánh phá, lại không an toàn”. Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Đình Chuân, trú tại xóm 18, Nghi Phú, thành phố Vinh (Nghệ An), nguyên chiến sỹ trung đoàn 367, đại đoàn 351 vẫn còn khắc ghi những hình ảnh của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Chính ủy Phạm Ngọc Mậu mùa hè năm ấy...
(còn nữa)
Kỳ sau: Luôn là người cận vệ của Đảng và Bác Hồ trong những giờ phút khó khăn nhất