Kỳ 1: Người lao động lao đao vì dịch Covid-19

Trước tác động của dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai có gần 1.800 doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động; hơn 3.000 lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm hoặc phải tạm nghỉ việc; khoảng 5.000 lao động làm thuê tại Trung Quốc phải về nước do không có việc làm…

Giải quyết việc làm cho lao động trong tình hình dịch bệnh

Chị Phạm Thị M. và chồng là anh Nguyễn V. (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) từng là hướng dẫn viên du lịch khách Trung Quốc tại Công ty Du lịch quốc tế Bình Minh. Thời điểm đông khách, anh chị có thể kiếm được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Nhờ đó, hai vợ chồng xây được nhà, mua được xe ô tô. Thế nhưng công việc đang ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát khiến cả hai vợ chồng mất việc làm. Chị M. tâm sự: “Năm 2020, dịch Covid-19 khiến chúng tôi thất nghiệp. Thu nhập giảm, trong khi gia đình có 2 con nhỏ, nhiều khoản phải chi tiêu nên tôi đã tìm thêm công việc ngoài giờ”.

Dịch Covid-19 khiến lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Dịch Covid-19 khiến lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Chị M. bán hàng ăn vặt online, còn chồng chị nhận thêm công việc vận chuyển cho một số cửa hàng. Tính ra, thu nhập hiện tại của vợ chồng chỉ bằng 1/10 so với thời điểm làm hướng dẫn viên du lịch. Chị M. cho biết thêm: Cuối năm 2020, chúng tôi phải bán xe ô tô vì không thể duy trì, riêng tôi nhờ có bảo hiểm thất nghiệp nên được thanh toán hơn chục triệu đồng.

Cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do Covid-19, chị Phạm Thu Tr. làm việc tại Công ty TNHH Du lịch quốc tế Hoàng Liên Sơn cũng chính thức nghỉ việc từ tết Nguyên đán năm 2020. Chật vật tìm việc tại Lào Cai nhưng không được, đầu năm 2021, chị Tr. đã xin việc tại Công ty Quản lý dịch vụ ăn uống tỉnh Hưng Yên. Công việc chính là phiên dịch cho giám đốc công ty. Lương của chị Tr. khoảng 14 - 15 triệu đồng/tháng. Chồng chị Tr. cũng kinh doanh khách sạn nhưng hiện tại phải đóng cửa do dịch bệnh. Vì thế, lương của chị Tr. không đủ cho gia đình 4 người. Chị Tr. cho biết: “Gia đình tôi đã phải cầm cố căn nhà để vay tiền ngân hàng trang trải sinh hoạt. Hy vọng khi tình hình ổn định trở lại, chúng tôi sẽ trả hết nợ”.

Lao động tự do tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Lao động tự do tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngoài chị M., chị Tr., nhiều lao động trong ngành du lịch lao đao vì không có việc làm. Tại thị xã Sa Pa, hiện có khoảng 8.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, gần 70 khách sạn đang tạm dừng hoạt động. Còn tại các địa phương ven thị xã, hơn 200 homestay không có khách hoặc đón khách cầm chừng. Như gia đình anh Vũ Giang N. và chị Lý Thị D. (tổ 2, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa) đã từng có nguồn thu đều đặn khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh N. là nhân viên lễ tân cho một khách sạn lớn tại thị xã, còn vợ ở nhà bán hàng thổ cẩm cho du khách. Anh buộc phải nghỉ việc vì khách sạn không thể duy trì nguồn nhân lực do không có khách, hàng trăm mặt hàng thổ cẩm lưu niệm tại nhà cũng chẳng có người mua. Gia đình anh N. đang lao đao tìm nguồn sinh kế. “Nghỉ việc do dịch bệnh nên không còn thu nhập, tôi đã đi xin việc nhưng không nơi nào tuyển nhân viên. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, tôi sẽ phải ra thành phố Lào Cai hoặc đi đâu đó xin việc”, anh N. nói.

Do dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo đó là việc làm và thu nhập của người lao động bị sụt giảm. Đơn cử như Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai, một số cán bộ, công nhân viên phải nghỉ việc không lương và tạm hoãn hợp đồng lao động do không bố trí được công việc khác. Chị Võ Thị Th. đã có 16 năm làm nhân viên bán vé tại Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4/2020, chị tạm nghỉ và không có thu nhập. Chị đang thử sức với lĩnh vực tư vấn bảo hiểm nhưng mới bắt đầu nên lượng khách hàng chưa nhiều. Là lao động chính trong nhà, áp lực trang trải cuộc sống trở thành nỗi lo lớn đối với chị Th.
Theo số liệu báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai, số lao động trên địa bàn tỉnh đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2019, từ 1.478 người lên 2.357 người. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2021 được dự báo còn nhiều khó khăn trong công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đây là thách thức lớn đối với ngành lao động tỉnh Lào Cai.

Kỳ cuối: Chủ động vượt khó

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/212129-ky-1-nguoi-lao-dong-lao-dao-vi-dich-covid19