Kỳ 1: 'Người rừng' xuất hiện

Hơn 23 năm trước, một vụ án mạng đã gây xôn xao dư luận tại tỉnh Lâm Đồng. Sau khi giết người, phi tang, kẻ sát nhân đã trốn lên núi làm 'người rừng'. Cứ mỗi đêm, hắn lại mò về xóm làng bắt các gia đình phải cung phụng cơm, rượu. Một phụ nữ vì quá căm ghét 'người rừng' đã pha thuốc ngủ vào canh và rượu 'cúng' cho hắn. Nhưng 'người rừng' đã tinh khôn thoát khỏi cạm bẫy. Công an huyện Đạ Tẻh và Công an tỉnh Lâm Đồng tung lực lượng 'giăng lưới' suốt 12 ngày đêm mới bắt được hắn. Trong cuộc đấu tranh chống tên tội phạm hung dữ này, các cán bộ chiến sĩ công an đã chịu biết bao gian khổ, hiểm nguy.

Ở huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng có một hồ nước lớn, đường kính ước chừng cũng hơn 1km. Hồ nằm giữa vùng đồi núi, giáp với những cánh rừng rậm trùng điệp. Ngày 19/8/2000, trên mặt hồ xuất hiện một "vật thể lạ”, đó là một khối tròn như bong bóng nổi nhấp nhô. Một số ngư dân làm nghề giăng câu, chài lưới đã thử kéo cái "bong bóng" căng tròn ấy lên và... phát hiện bên trong là một xác người. Khi cơ quan điều tra đến khám nghiệm hiện trường, bỗng nghe "xòa", "thịch"... Từ trên tán cây rậm rạp gần đó, một bóng đen vạch lá cây nhảy xuống, chạy thục mạng vào rừng sâu. Tổ trinh sát đã lao theo dấu vết của bóng đen bí ẩn. Nhưng trời gió mưa lạnh cóng, đói khát, muỗi vắt, gã "người rừng" nhanh chóng khuất dạng vào trời đêm nhá nhem, mù mịt...

Cùng thời gian đó có một thiếu phụ cứ mỗi lần nhìn thấy ánh trăng soi qua liếp cửa lại rùng mình sợ hãi. Còn những người sống ven hồ Đạ Tẻh thì ngậm ngùi tiếc thương cho số phận ngắn ngủi của một anh dân chài vui tính, đào hoa, từng lênh đênh với cuộc sống lãng tử trên mặt hồ.

Ngày 21/9/2000, ba ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn, thống nhất đưa vụ án trên vào diện án điểm để tập trung lực lượng nhanh chóng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời nhằm chặn đứng dư luận xấu nảy sinh.

Trước đó, khi đang cùng tập thể CBCS dự cuộc họp kỷ niệm ngày 19/8/2000, Trung tá Lê Diễn - Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận tin báo từ Công an huyện Đạ Tẻh. Nội dung cho biết, quần chúng vừa phát hiện trên vùng hồ Đạ Tẻh một xác người. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nạn nhân đã chết do tác động của ngoại lực và kẻ thủ ác đã dùng nhiều biện pháp để thủ tiêu các tang chứng. Đánh giá đây là vụ trọng án phức tạp, Công an huyện Đạ Tẻh đề nghị các cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ đạo nghiệp vụ và tham gia làm rõ.

Lực lượng chức năng vượt rừng, truy bắt kẻ sát nhân

Lực lượng chức năng vượt rừng, truy bắt kẻ sát nhân

Trung tá Lê Diễn cùng một số bộ phận nghiệp vụ tức tốc lên xe về Đạ Tẻh (cách TP.Đà Lạt hơn 200km). Khi đến được hiện trường thì trời đã tối, dù rừng núi thiếu các phương tiện chiếu sáng, nhưng đoàn công tác vẫn phối hợp với Công an huyện Đạ Tẻh tiến hành khám nghiệm hiện trường. Lúc này, "dị vật" đã được vớt lên bờ hồ. Đó là 2 cái bao nylon (dùng đựng nông sản, loại 50kg/bao) được trùm vào một xác người. Một bao trùm từ đầu xuống và bao kia kéo từ dưới chân lên, phần nối 2 bao được cột bằng dây thừng. Chiếc bao thứ 3 chứa khoảng 50kg đất đá, cột dưới chân nạn nhân.

Từ những dấu vết của hiện trường, CQĐT nhận định, có thể hung thủ sau khi giết người đã cột xác vào bao đất, dùng phương tiện chở ra giữa hồ ném xuống. Lúc đầu bao đất nặng, kéo xác nạn nhân chìm. Nhưng sau một thời gian, xác bắt đầu phân hủy, các phản ứng sinh hóa từ tử thi đã sinh ra các loại khí làm căng 2 bao nylon và biến chúng thành cái phao kéo ngược bao đất nổi lên mặt nước. Nạn nhân được xác định là một người đàn ông tầm vóc trung bình, khoảng 40 tuổi, trên người không có quần áo và đã chết trước đó khoảng 10 ngày.

Tất cả các vụ án mạng, giữa nạn nhân và hung thủ luôn có mối quan hệ. Nếu đã có hung thủ thì có thể xác định được nạn nhân. Nhưng trong trường hợp này, nạn nhân không giấy tờ tùy thân, không y phục, biến dạng, rất khó xác định; còn tung tích hung thủ lại càng mờ mịt...

Trước thực tế gay go như vậy, trong lúc nhiệm vụ yêu cầu là phải nhanh chóng phá án, truy bắt tội phạm, nên lực lượng có mặt ở hiện trường thống nhất xin ý kiến Ban giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban chuyên án (BCA). Sau khi được sự nhất trí của cấp trên, BCA được thành lập với thành phần: Trung tá Lê Diễn - Trưởng phòng CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng, Phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng ban chuyên án; Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Trưởng CA huyện làm phó ban; thành viên là lực lượng của các phòng, đội nghiệp vụ CA tỉnh và CA huyện Đạ Tẻh...

Hồ Đạ Tẻh, nơi phát hiện xác nạn nhân nổi lên

Hồ Đạ Tẻh, nơi phát hiện xác nạn nhân nổi lên

Theo chỉ đạo của BCA, nhiều mũi trinh sát được tung vào các thôn làng nằm ven hồ để nắm tình hình. Một số mũi khác được điều động rà soát lại khắp các bìa rừng hướng ra mặt hồ, nơi phát hiện tử thi. Trong một lần như vậy, một tổ công tác vào lúc sẩm tối đã "đụng" phải một người lạ trong rừng. Hình như hắn đang theo dõi hoạt động của tổ này bằng cách leo lên một cây lớn, núp trong tán lá rậm rạp quan sát. Trong lúc di chuyển trên cây, hắn sơ ý đạp trúng một nhánh cây khô và... "rắc". Tiếng động làm nhiều người có mặt ở đó cùng ngước mắt lên. Kẻ lạ mặt kia tỏ ra rất quen với đời sống leo trèo, đu lượn, nên khi mọi người vừa "a" lên một tiếng kinh ngạc, thì hắn đã nhanh như khỉ, chuyền sang một nhánh cây thấp hơn, buông mình rơi thịch xuống đất. Khi mọi người chạy đến vị trí đó thì chỉ còn ít cỏ lá bị ngã rạp, gã "người rừng" đã biến mất.

Trời mưa lắc rắc, trong rừng lại tối nên không ai kịp nhìn rõ mặt "người rừng", chỉ biết hắn to cao, nhanh nhẹn... BCA nhận định, dứt khoát kẻ sống trong rừng đó có liên quan đến vụ trọng án này và ra lệnh điều thêm lực lượng, chia làm nhiều tổ, chốt chặn nhiều vị trí trong rừng.

*

* *

Cùng thời gian đó, các tổ trinh sát nắm tình hình trong dân cũng xác định được một vấn đề quan trọng: anh Duy (SN 1960, quê Hà Tây, ngụ thôn 2, xã Dạ Cộ, huyện Đạ Tẻh) vốn làm nghề giăng câu, chài lưới trên hồ Đạ Tẻh, mất tích hơn 10 ngày nay (tên các nhân vật trong loạt bài đã được đổi). Thông tin về sự mất tích của anh Duy lập tức được BCA đặc biệt quan tâm. Anh Duy đã có vợ, 2 con ở quê (Hà Tây), nhưng mấy năm nay vợ chồng chia tay nhau, Duy bỏ vợ con, một mình vào Đạ Tẻh lập nghiệp.

Tại đây, anh Duy sống với một phụ nữ khác và có thêm một đứa con. Anh thuộc diện nghèo và phóng túng. Anh có một cái chòi nằm ở sườn đồi bên bìa hồ thủy lợi Đạ Tẻh. Hàng ngày anh vào rừng chặt lồ ô về chẻ ra làm tăm xỉa răng bán, hôm nào kiếm được thêm mớ nấm mèo, vài nhành phong lan thì đem ra chợ đổi được bữa rượu. Anh nghiện rượu nặng, gần như dùng rượu thay cơm. Gần đây, tài sản của anh được bổ sung thêm chiếc ghe ọp ẹp. Anh hay chèo ghe đi ngao du khắp vùng hồ có chiều ngang hơn 1km và dài khoảng 7 - 8km. Thấy anh hiền, có tí rượu vào là vui như hội, nghêu ngao hát suốt nên bà con làm nghề cá trên hồ cũng thích anh.

Lúc đầu, thỉnh thoảng họ cho vài con cá nhỏ, sau chia bớt cho anh vài đoạn lưới cũ rách. Anh tẩn mẩn ngồi vá lại. Mớ lưới rách trở nên hữu dụng, nhờ đó anh kiếm được con cá con tôm, lại có lý do để trở thành ngư dân - cũng ghe, cũng lưới, cũng lênh đênh ngụp lặn suốt ngày trên hồ. Duy thích hát, rượu vào hát càng dữ. Có anh, vùng hồ bớt cô quạnh.

Từ chân đập của hồ Đạ Tẻh đi sâu vào khoảng 1km có một cái ốc đảo nhỏ khoảng vài trăm mét vuông, trên đảo có một gia đình sinh sống. Gia đình này có người chồng tên Ngô (SN 1971), vợ là một phụ nữ gầy yếu tên Lê (SN 1970). Ngô cũng là người Hà Tây vào đây lập nghiệp và cũng thuộc loại có thể uống rượu thay cơm ngày này sang ngày khác. Ngô đen nhẻm, đầu húi cua, có rượu vào càng dữ tính.

Mới 30 tuổi, Ngô đã trải qua 3 đời vợ, đời nào cũng phải ăn đòn bầm dập mỗi khi hắn say sưa. Ngoài những trận đòn đó, cô Lê - người vợ thứ 3 này còn được Ngô tặng cho 3 đứa con gái và nỗi hậm hực triền miên vì không đẻ được con trai cho hắn. Vợ chồng Ngô có hộ khẩu ở xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh, nhưng Ngô đem vợ con ra ốc đảo giữa lòng hồ, cất một cái chòi cỡ 10m2 sống cho tiện nghề giăng câu bắt cá và tiện luôn việc đánh đập, hành hạ vợ con mà xóm làng không biết.

Do cùng quê, cùng cảnh nhiều vợ, cùng nghề sông nước, cùng sở thích uống rượu thay cơm nên Ngô và Duy làm quen rồi dần dần thân thiết với nhau. Duy còn vợ sống ở xã Dạ Kho, tính thích lang thang nên có khi vài tháng mới về nhà một lần, nhưng lại thường xuyên ghé thăm chòi của Ngô trên đảo, góp con cá, con cua làm mồi nhậu. Rồi bỗng dưng dân thuyền chài trên hồ không còn gặp Duy nữa, không thấy Duy cà rà đến xin cá, tôm và cũng vắng luôn tiếng hát vang trên sông nước.

Người ta cứ nghĩ Duy chán đời sống hải hồ, quay về với vợ con trong xã Dạ Kho nên không ai để ý; còn vợ con Duy vẫn nghĩ chồng mình lang thang đâu đó nên cũng không quan tâm, tìm hiểu. Đến khi CQĐT xoáy vào vấn đề này và áp dụng thêm vài biện pháp xác minh nữa thì đủ cơ sở khẳng định xác chết dưới hồ là thi thể của Duy. Cả vùng đó ai cũng biết Duy với Ngô là bạn thân. Ngô nổi lên giữa những đối tượng nghi vấn...

(Còn tiếp...)

PHÚC HUY - SONG NGỌC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/ky-1-nguoi-rung-xuat-hien_153363.html