Kỳ 1: Tài sản cha mẹ để lại vẫn chưa có cơ duyên về với chủ?
Chỉ vì một quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội khiến bà Đỗ Thị Thì, SN 1949, thôn An Ninh, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có nguy cơ bị mất thửa đất do cha mẹ để lại.
Bà Đỗ Thị Thì kể, năm 1964 sau khi kết hôn, bà được bố mẹ đẻ cho thửa đất rộng 155m2 tại thôn An Ninh, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong làm nơi sinh sống. Tại chính thửa đất này, bà Thì cho vợ chồng người con trai là Bùi Ngọc Lý ở nhờ. Năm 2000, chưa được sự đồng ý của mẹ cũng như các anh em trong gia đình, anh Lý đã tự ý làm giấy chứng nhận quyền SDĐ thửa đất này. Tiếp đó, năm 2006, anh Lý tiếp tục tự ý xây nhà. Biết chuyện, bà Thì vẫn giữ quan điểm chỉ cho hai vợ chồng anh Lý ở nhờ đất, việc cho đất còn phải bàn bạc với bốn người con đẻ nữa, vì đây là đất thừa kế chung của bà và các con.
Bắt đầu từ năm 2010, cuộc sống của anh Lý và vợ là chị Kiều Thị Suốt luôn xảy ra những bất hòa, dẫn đến việc hai bên quyết định ly hôn. Ngày 16-8-2017, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án: “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là anh Lý và bị đơn là chị Suốt. Theo chị Suốt, tài sản chung của hai vợ chồng gồm có thửa đất 155m2 và ngôi nhà 3 tầng trên đất, một thửa đất khác rộng 145m2 mua lại từ một người cùng làng có vị trí liền kề với thửa đất rộng 155m2. Ngoài ra, hai người còn một diện tích đất 150m2 mua của người dân tại thôn Sơn Đình, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, hiện đang đứng tên người khác.
Anh Lý chỉ công nhận tài sản chung của hai người là thửa đất 145m2 và ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất 155m2. Còn diện tích thửa đất 155m2, anh khẳng định đây là tài sản của mẹ mình là bà Đỗ Thị Thì.
Về thửa đất 155m2, tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Yên Phong khẳng định, thời điểm năm 2000 thửa đất này đã được UBND huyện Yên Phong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng số R482142 ngày 20-9-2000, vào sổ cấp giấy số 00563-QSDĐ/397 mang tên hộ ông Bùi Ngọc Lý. Trên đất xây dựng ngôi nhà 3 tầng. Xem xét nguồn gốc thửa đất và trình tự cấp sổ đỏ thì thấy việc anh Lý tự ý kê khai đăng ký cấp sổ đỏ mà chưa được sự đồng ý của bà Thì là đúng sự thật, là vi phạm điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013. Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai năm 2013 thì sổ đỏ đã cấp cho anh Lý là sai đối tượng cần thu hồi. Bản thân UBND huyện đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ. Nhưng nay tòa án đang thụ lý giải quyết nên UBND đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho bà Thì.
Về ngôi nhà 3 tầng xây trên diện tích đất 155m2, bà Thì cho biết, tháng 10-2014, anh Lý, chị Suốt có mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất 155m2 thế chấp tại Ngân hàng HTX Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh vay số tiền 300.000.000đ. Đến hạn không trả được nợ bà sợ mất nhà, đất nên bà đã đứng ra trả thay. Số tiền cả gốc và lãi bà trả cho ngân hàng là 326.425.000 đồng. “Nếu tôi không đứng ra trả nợ thì phía ngân hàng đã siết nợ hết cả nhà và đất rồi chứ đâu còn thời gian để anh Lý, chị Suốt ra tòa nhận tài sản của mình”, bà Thì nói.
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm của Viện KSND tỉnh chỉ chấp nhận tài sản chung của anh Lý, chị Suốt là 145m2 đất cùng ngôi nhà 3 tầng, mỗi tầng rộng 70,5m2, xây trên diện tích thửa đất rộng 155m2. Về thửa đất 155m2, Viện KSND tỉnh đề nghị thu hồi sổ đỏ đứng tên anh Lý để trả lại cho chủ sử dụng ban đầu là bà Thì. Về giá trị ngôi nhà 3 tầng được cơ quan chuyên môn định giá là 452.440.000 đồng, do trước đó bà Thì đã đứng ra trả tiền vay ngân hàng giúp anh Lý, chị Suốt số tiền 326.425.000đ nên bà Thì được sử dụng ngôi nhà, đồng thời phải trả thêm cho anh Lý, chị Suốt 126.015.000 đồng.
Từ những chứng cứ chứng minh tại phiên xét xử, HĐXX quyết định, phân chia cho chị Suốt được quyền sử dụng diện tích đất 145m2 nhưng chị phải có nghĩa vụ trích trả anh Lý giá trị bằng tiền đối với phần anh Lý được hưởng theo định giá là 580.000.000đ; Chấp nhận yêu cầu của bà Đỗ Thị Thì; Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất R482142 ngày 20-9-2000, vào sổ cấp giấy số 00563-QSDĐ/397 mang tên hộ ông Bùi Ngọc Lý. Buộc anh Lý, chị Suốt phải trả lại bà Thì thửa đất có diện tích 155m2. Bà Thì có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất theo quy định.
Buộc anh Lý, chị Suốt phải trả cho bà Thì số tiền 326.425.000đ đã trả nợ thay cho anh, chị. Mỗi người phải trả cho bà Thì số tiền là 163.212.000đ. Giao cho bà Đỗ Thị Thì được quyền sở hữu sử dụng ngôi nhà 3 tầng, diện tích mỗi tầng sử dụng 70,5m2. Đối trừ quyền và nghĩa vụ cho nhau, bà Thì phải trả anh Lý, chị Suốt mỗi người 96.911.000 đồng.
Những tưởng mọi rắc rối xoay quanh phiên tòa “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa các bên đã được giải quyết xong. Bất ngờ, ngày 9-5-2019, TAND cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với quan điểm gần như đi ngược lại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh. Đương nhiên, nhận được quyết định này bà Thì không khỏi lo lắng vì chút tài sản hương hỏa do cha mẹ để lại có nguy cơ bị mất trắng.
(Còn nữa)