Kỳ 1: Tiềm năng, lợi thế đang được phát huy

Vùng BTB&DHTB có 14 tỉnh, thành gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên vùng chiếm 28,9% cả nước, dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (BTB&DHTB) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế; là điểm trung chuyển hàng hóa về các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar, cửa ra của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với tuyến đường hàng hải quốc tế…

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng BTB&DHTB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Xây dựng nhà máy trong khu kinh tế Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh).

Xây dựng nhà máy trong khu kinh tế Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh).

Nhiều tín hiệu tích cực

Tại lễ công bố Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quy hoạch vùng và phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB vừa được tổ chức tại TP Huế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng BTB&DHTB, nhiều điểm nghẽn dần được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng đang được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đến nay, Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ được giao. Qua hơn 1 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu của vùng BTB&DHTB đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước như: tốc độ tăng GRDP năm 2023 đạt khoảng 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 75,62 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 10,7% dự toán trung ương giao và vượt 6,1% dự toán HĐND các địa phương giao. Về huy động vốn đầu tư của vùng, năm 2023, thực hiện đạt khoảng 686,14 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2022. Thu hút vốn FDI của vùng tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, tổng vốn FDI đăng ký đạt 2.781,26 triệu USD, tăng 144,9% so với cùng kỳ 2022…

Vùng BTB&DHTB có đến 11/18 khu kinh tế (KKT) ven biển của cả nước, trong đó có nhiều KKT trọng điểm. Thời gian qua, tỷ lệ lấp đầy ở các KKT ven biển đạt trên 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất; một số dự án (DA) lớn quan trọng tại các KKT của vùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng các địa phương trong vùng.

Điển hình như KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) lũy kế đến cuối năm 2023 có 153 DA, bao gồm 56 DA có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 16.016,933 triệu USD và 97 DA đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 55.762,020 tỷ đồng. Hay KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) năm 2023 nộp ngân sách nhà nước đạt 24,786 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.200 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 3.500 triệu USD; lũy kế đến năm 2023 giải quyết việc làm cho hơn 68.000 lao động.

Tương tự, KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) năm 2023 nộp ngân sách nhà nước đạt 19,5 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 58.000 lao động. Hay KKT Chân Mây - Lăng Cô, lũy kế đến nay thu hút được 57 DA, tổng vốn đăng ký 81.935 tỷ đồng và năm 2023, nộp ngân sách nhà nước đạt 193,3 tỷ đồng. Tương tự, KKT Nhơn Hội, lũy kế đến đầu năm 2024, thu hút được 121 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn khoảng 119.533 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động… Bên cạnh đó, KKT cửa khẩu Cha Lo có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất trên đường biên giới Việt-Lào và là một trong những KKT cửa khẩu có hoạt động thương mại sôi động trong cả nước so với các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào. Kim ngạch XNK năm 2023 đạt 2.083 triệu USD tăng 18% so với năm 2022. Khối lượng hàng hóa qua cửa khẩu từ 3.200 nghìn tấn lên 4.200 nghìn tấn năm 2023… Hội đồng vùng BTB&DHTB cho biết, tính đến hết năm 2023, vùng BTB&DHTB có trên 52 khu công nghiệp (KCN) đã có quyết định thành lập, trong đó có trên 29 KCN đã đi vào hoạt động với số lượng DA đầu tư là 986 DA. Địa phương trong vùng có số KCN đang hoạt động nhiều nhất là Đà Nẵng và Quảng Nam, đặc biệt Đà Nẵng có 100% số KCN đi vào hoạt động…

Các khu kinh tế trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động của địa phương.

Các khu kinh tế trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động của địa phương.

Điểm sáng trong hợp tác và hội nhập quốc tế

Bên cạnh đó, vùng BTB&DHTB có nhiều lợi thế, tiềm năng khi sở hữu nhiều cảng biển lớn; cảng hàng không, có hệ thống giao thông với đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… Trên địa bàn 14 tỉnh/thành phố thuộc vùng BTB&DHTB có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; có hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia cùng hàng chục bảo vật quốc gia; nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam và một số hệ sinh thái điển hình như đầm phá, vùng cát, san hô. Bên cạnh đó, những thương hiệu ẩm thực miền Trung, đặc biệt là các món ăn đặc sản biển ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… là những điều kiện đã trở thành chuỗi sản phẩm du lịch thu hút sự phát triển kinh tế cho toàn vùng. Đây là nguồn lực để hình thành những sản phẩm văn hóa - du lịch tương đối hoàn chỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tại khu vực này. Nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá ra nước ngoài trong những năm qua được đẩy mạnh vào những thị trường có nhiều tiềm năng như: ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Mỹ. Ngành du lịch vùng miền Trung đang trở thành động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp không khói của vùng, tăng trưởng bình quân hàng năm về du lịch đạt khoảng 17-18%/năm, doanh thu toàn ngành du lịch tăng bình quân 20%/năm, khách du lịch tăng bình quân 19%/năm.

Đến nay, 14/14 địa phương trong vùng BTB&DHTB có quyết định phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB Trần Hồng Hà cho rằng, tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập của vùng BTB&DHTB với thị trường quốc tế rất lớn, đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ky-1-tiem-nang-loi-the-dang-duoc-phat-huy-i733692/