Kỳ 1: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên con người huyền thoại viết nên con đường huyền thoại
Từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều gánh vác những vai trò quan trọng.
Người con vùng quê cách mạng
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung nằm cách chợ Sải bên bờ sông Gianh khoảng hơn 100 mét. Ông là người con trai thứ 5 trong một gia đình có 9 người con, trong đó cả 5 người con trai đều tham gia cách mạng. Sinh ra ở vùng đất cách mạng, ngày từ thời niên thiếu từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí tham gia các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học, ở xã; tháng 12-1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; Bí thư Chi bộ xã năm 1940. Kinh qua nhiều vị trí, vai trò trong cuộc đời học tập và phục vụ công tác cách mạng đến năm 1946 cho đến năm 1948, đồng chí làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đồng chí được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc khóa I/1946. Tháng 5/1948, đồng chí làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình. Năm 1964, đồng chí làm Tổng Tham mưu phó.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.Từ năm 1977 đến tháng 2-1982, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc, đồng chí được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Tháng 8-1979, đồng chí được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn được Đảng và Nhà nước tin yêu giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 1991, đồng chí thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đồng chí được nghỉ công tác từ tháng 10-2006.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Con người huyền thoại của con đường huyền thoại
Nhắc đến đường Trường Sơn, huyết mạch của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ Quốc, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là “linh hồn” là trái tim điều hành cho huyết mạch ấy chảy cho đến ngày thắng lợi.
Theo cuốn sách “Lịch sử Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh”, đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường.
Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở đường “kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.
Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh chắc chắn là một cái tên đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nó là kỳ tích lịch sử có một không hai của bộ đội ta, và là nỗi khiếp đảm của kẻ thù. Đường Trường Sơn chính là huyết mạch của chiến thắng mùa xuân năm 1975, là công trình giao thông thế kỷ mà chỉ có những khối óc, niềm tin, tình yêu Tổ quốc bao la mới có thể làm nên nó. Đường Trường Sơn là công trình thế kỷ thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là linh hồn của con đường ấy.
Để các chiến trường, chiến dịch cả Đông Dương cần cái gì và "cần bao nhiêu cũng có", tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng với hàng vạn quân của mình trong hàng chục năm ròng rã đã dầm mình trong nắng đốt, mưa quay, giữa mưa bom bão đạn và cả những cơn mê man sốt rét rừng, giữa máu và nước mắt để giữ huyết mạch của cuộc chiến khốc liệt, cam go. Những hi sinh thầm lặng của vị tướng và hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong để bảo vệ "Xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ" cho tới ngày toàn thắng thật khó có sử sách nào chép cho đủ.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chia sẻ, từ đầu năm 1971, đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, chúng tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh về ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại đi dộng trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tài, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người, xe của ta.
Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt các biện pháp chống ngăn chặn bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến… Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và phải trả giá quá đắt.
Mạng đường “kín” Tây Trường Sơn là một công trình sáng tạo độc đáo, một công trình huyền thoại có ý nghĩa về chiến lược trong tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến công của Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ đầu năm 1967 đến 30-4-1975, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, có ý nghĩa chiến lược rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…